Điều trị chứng đau nửa đầu thường gặp

Khoảng 20% người bệnh phải chịu đựng những dạng bất thường của đau nửa đầu. Hiểu biết nhiều hơn về các dạng bất thường này chắc chắn có thể giúp quá trình điều trị và dự phòng cơn đau tốt hơn.

Một điều quan trọng cần nhớ về chứng đau nửa đầu là đôi khi các triệu chứng liên quan thậm chí có thể làm bạn đau đớn và suy sụp hơn là triệu chứng đau nửa đầu. Vì vậy hiểu biết rõ hơn có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân thực sự để bạn có thể quản lý và dự phòng tốt hơn những triệu chứng đó.

Dưới đây là 7 dạng đau nửa đầu có thể khá quen thuộc và những cách thức tốt nhất để điều trị từng loại mà chúng ta nên biết:

Đau nửa đầu ảnh hưởng đến mắt (hay còn gọi là chứng đau nửa đầu võng mạc)

Đây là loại chứng đau nửa đầu đặc trưng bởi những cơn rối loạn thị giác thường xuất hiện ở một bên mắt. Theo Brian Grosberg, giám đốc Trung tâm điều trị đau đầu thành phố New York: các triệu chứng có thể bao gồm xuất hiện các điểm mù hoặc hoa mắt.

Điều đáng mừng ở đây là các triệu chứng về thị giác thường ít đau và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Bạn có thể cảm giác thấy những chấm nhỏ, lan rộng tạo thành hình nhấp nháy hoặc lượn sóng, hoặc vòng tròn khi tiếp xúc với ánh sáng. Những triệu chứng này thường kéo dài khoảng 30 phút. Nếu hiện tượng này đi kèm những cơn đau đầu sau đó, thì được gọi là một cơn đau nửa đầu một bên mắt.

Cách điều trị: Mặc dù loại đau nửa đầu này có thể mang lại cảm giác vô cùng đáng sợ với bệnh nhân, nhưng thường vô hại và có thể tự biến mất trong vòng 30 phút mà không cần dùng thuốc. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này thường xuyên, bạn nên tránh xa những nguy cơ tiềm ẩn như ngủ quá ít hoặc quá nhiều, căng thẳng, bỏ ăn, thức ăn nhiều mùi, rượu, tiếp xúc với ánh sáng mạnh, đột ngột hoặc các loại đèn nhấp nháy....

 

Đau nửa đầu liệt nửa người

Với chứng đau nửa đầu này, người bệnh sẽ khó có thể di chuyển hay vận động. Những cơn đau nửa đầu có thể kèm theo các cơn tê liệt toàn thân một bên người. Tình trạng tê liệt toàn thân có thể kéo dài lâu hơn sau khi cơn đau đầu đã chấm dứt. Chứng đau nửa đầu này thực sự phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn là ở người lớn nên việc chẩn đoán gặp khó khăn và phức tạp.

Cách điều trị: Bạn cần đến khám bác sĩ ngay lập tức vì các triệu chứng của loại đau nửa đầu này gần giống với đột quỵ. Nếu chẩn đoán chính xác cơn đau nửa đầu loại này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị đau nửa đầu để giúp giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công trong tương lai.

 

Đau nửa đầu cơ bản

Dạng đau nửa đầu này gồm ít nhất hai triệu chứng sau: Chóng mặt, ù tai, song thị, dáng đi mất cân đối và giảm khả năng nhận thức.

Cách điều trị: Điệu trị cấp tính bằng các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc gây tê thần kinh ngoại biên; điều trị dự phòng bằng các thuốc như verapamil, topiramate hoặc lamotrigine.

 

Đau nửa đầu kinh nguyệt

Ở một số phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt có thể đi kèm với những thay đổi tâm trạng và tình trạng chuột rút có thể đi kèm. Đau nửa đầu kinh nguyệt cũng có thể xuất hiện vào thời điểm này. Khoảng 60% phụ nữ bị đau nửa đầu cho biết họ gặp phải tình trạng này mỗi khi đến tháng. Các cơn đau nửa đầu có thể xảy ra suốt cả tháng nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong chu kỳ kinh nguyệt do nội tiết tố thay đổi. Các triệu chứng cơn đau nửa đầu kinh nguyệt cũng thường xuất hiện trước hai ngày khi bắt đầu chu kỳ.

Cách điều trị: Một vài ngày trước khi đến kì, bạn có thể dự phòng bằng cách dùng thuốc neproxin (thuốc chống đau nửa đầu) và tiếp tục dùng thuốc này trong vòng năm ngày sau khi kết thúc chu kì. Nếu bạn không thấy kết quả, hãy thử các loại thuốc chống viêm không steroid, hoặc nói chuyện với bác sĩ của bạn để thay đổi các thuốc chống đau nửa đầu phù hợp hơn.

 

Đau nửa đầu kèm khó chịu ở bụng

Hiện tượng này phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, cơn đau nửa đầu sẽ đi kèm với các biểu hiện ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và đau bụng quanh rốn. Tình trạng này rất khó chẩn đoán, vì có nhiều nguyên nhân bệnh khác cũng gây nên các biểu hiện tương tự về đường tiêu hóa. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử gia đình bị đau nửa đầu hay không, tiền sử các cơn đau trước đây của bạn cũng như các dấu hiệu đi kèm để chẩn đoán chính xác bệnh của bạn.

Cách điều trị: Các loại thuốc chẹn beta liều thấp có thể được sử dụng để giảm tần suất các cơn đau sẽ bùng phát trong thời điểm sắp tới.

 

Đau nửa đầu tiền đình

Hầu hết chúng ta đều biết đa số cảm giác buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, đau nhói trong đầu đều có liên quan đến chứng đau nửa đầu. Khoảng 30% đến 60% bệnh nhân đau nửa đầu cũng cảm thấy chóng mặt và cực kỳ nhạy cảm với chuyển động. Gần 20 % những bệnh nhân bị chóng mặt nghiêm trọng có thể dẫn đến những cơn ngất xỉu.

Cách điều trị: Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt hay tập thiền, yoga để cải thiện vấn đề đau nửa đầu.

 

Đau nửa đầu kinh niên

Hầu hết những người mắc chứng đau nửa đầu thông thường, với tần suất một hoặc hai lần đau mỗi tháng đều có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, đối với những người bị chứng đau nửa đầu kinh niên, cuộc sống và công việc thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đau nửa đầu kinh niên được định nghĩa là tình trạng trải qua chứng đau nửa đầu từ 15 ngày trở lên mỗi tháng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1% người bệnh đau nửa đầu gặp phải tình trạng này.

Cách điều trị: Vào tháng 4 năm 2018, Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA đã chấp thuận một loại thuốc mới có tên là Erenumab để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu mãn tính. Loại thuốc này làm giảm số lượng chứng đau nửa đầu ở những người thường xuyên sử dụng nhưng chưa chứng minh được sẽ loại trừ hoàn toàn căn bệnh này. Vì vậy Erenumab có thể được sử dụng kết hợp với các liệu pháp khác. 

Các phương pháp điều trị đau nửa đầu mãn tính khác bao gồm Botox, châm cứu, thuốc chống co giật và các liệu pháp sinh học. Ngoài ra, thay đổi chế độ sinh hoạt, tập thiền, yoga được cho là có hiệu quả với các trường hợp đau nửa đầu kinh niên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top