Nhiều người vẫn thắc mắc rằng không biết đột quỵ có khác gì với tai biến mạch máu não không? Đây có phải là một căn bệnh nhưng có hai tên gọi khác nhau. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết, đột quỵ và tai biến mạch máu não có phải là một hay không?
Theo Tiến sĩ Y học, Bác sĩ Nguyễn Văn Doanh – Chuyên gia trong lĩnh vực Nội thần kinh cho biết: đột quỵ và tai biến mạch máu não chỉ là hai tên gọi khác nhau, nhưng thực chất chung một bệnh cảnh.
Đây là tình trạng mạch máu nuôi dưỡng các tế bào não bị tắc nghẽn do một số nguyên nhân, chủ yếu là: xơ vữa động mạch, cục máu đông (huyết khối), vỡ mạch máu não, điều này khiến các tế bào não không được cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng kịp thời, dẫn tới tổn thương vĩnh viễn.
Tên gọi: tai biến mạch máu não chỉ ra nơi khởi phát bệnh là các mạch máu nuôi não bị chặn lại (thiếu máu do tắc mạch) hoặc một trong các mạch máu bị vỡ (còn gọi là vỡ mạch máu não). Còn tên gọi: Đột quỵ phản ảnh rõ hơn sự cấp tính của bệnh.
Sở dĩ nhiều người đang hiểu sai rằng đây là hai bệnh khác nhau, do một số lý do sau:
– Quan niệm cho rằng đột quỵ là bệnh tim mạch và không liên quan gì đến não.
– Đột quỵ chỉ xảy ra ở người già, không xảy ra ở giới trẻ.
Chính cách hiểu sai lầm này đã dẫn đến sự chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm trong việc kiểm soát và phòng ngừa đột quỵ.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý cấp tính, rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, mất khả năng lao động, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cần sự trợ giúp của người thân, trầm cảm,….
Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có đến 50% là tử vong, số còn lại khoảng 90% để lại các di chứng nặng nề đeo bám đến suốt đời và chỉ khoảng 10% là có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Đột quỵ có thể xảy ra ở cả nam và nữ, không phân biệt giới tính. Theo thống kê, tỷ lệ đột quỵ ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người già, người trẻ thì không bị – đây là quan niệm sai lầm. Đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi (trên 55 tuổi) nhưng có thể xảy ra ở cả những người trẻ tuổi, thậm chí có cả trẻ em.
Những năm gần đây, theo thống kê của các bệnh viện cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Một số bệnh viện còn tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân tai biến chỉ mới 18 hoặc 20 tuổi.
Không phân biệt thành thị, nông thôn, doanh nhân, nhân viên văn phòng hay nông dân,…đều có thể bị đột quỵ. Sở dĩ tỷ lệ đột quỵ tập trung nhiều ở người cao tuổi vì:
– Chức năng cơ thể của người lớn tuổi bị suy giảm dần theo tuổi tác và thời gian.
– Người lớn tuổi dễ mắc các bệnh lý mạn tính đi kèm như: tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu,…
– Ít vận động.
Còn đột quỵ ở giới trẻ xảy ra, chủ yếu là do tâm lý chủ quan, lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng mất cân đối, lười vận động, áp lực trong công việc và cuoocn sống dẫn đến căng thẳng, mất ngủ,…
Hiện nay, nhiều người trẻ có biểu hiện thiếu máu não thoáng qua như: đau đầu, chóng mặt, ù tai,… đây là biểu hiện của bệnh lý tiền đột quỵ, nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả có thể gây đột quỵ thiếu máu não trong tương lai.
Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nguy cơ đột quỵ khi hiểu đúng và chủ động phòng ngừa từ sớm.
Theo Tiến sĩ Y học, Bác sĩ Nguyễn Văn Doanh có ba điều sau đây mà bạn nên thực hiện để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ:
Các bệnh lý như đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì,… là những bệnh lý dễ dẫn đến đột quỵ. Hãy đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh:
– Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, cá, ngũ cốc; tránh các thức ăn nhiều chất đạm, chất béo, thức ăn được chế biến sẵn, thức ăn quá mặn.
– Vận động thường xuyên: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga,…
– Tránh căng thẳng, lo lắng, stress
– Tránh thức khuya, mất ngủ
– Hạn chế tối đa bia rượu
– Không hút thuốc lá
– Tránh tắm đêm
Tầm soát phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến thần kinh, mạch máu để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Nên thăm khám với bác sĩ Nội thần kinh ít nhất 1 năm/lần hoặc thăm khám ngay khi có các triệu chứng về bệnh lý thần kinh. Đây được xem là phương pháp bền vững, giúp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ não, kiểm soát các gốc tự do.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh