✴️ Ghi điện cơ cấp cứu

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Ghi điện cơ là phương pháp thăm dò được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ, đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Tốt hơn là được sử dụng để chẩn đoán điện ở ngoại biên. 

 

CHỈ ĐỊNH

Chẩn đoán các tổn thương cơ do thần kinh, do bệnh cơ hoặc các bệnh lý khác:

Tổn thương nhu mô cơ (bệnh lý cơ, viêm cơ). 

Chẩn đoán và theo dõi những rối loạn chỗ nối thần kinh cơ (bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ).

Chẩn đoán và tiên lượng tổn thương dây thần kinh do chấn thương (chấn thương cột tủy, chấn thương dây thần kinh). 

Định khu những tổn thương thần kinh cục bộ hoặc do chèn ép (hội chứng ống cổ tay, cổ chân, ép rễ thần kinh), viêm dây thần kinh, bệnh thần kinh vận động, bệnh đơn dây thần kinh, bệnh rễ thần kinh, bệnh lý đám rối thần kinh.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Khi ghi điện cực kim hoặc đo tốc độ dẫn truyền có thể không làm khi người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống đông như warfarin, heparin.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

01 bác sĩ, 01 kỹ thuật viên (KTV).

Phương tiện, dụng cụ, thuốc Vật tư sử dụng trong đo Điện cơ

Người bệnh

Được thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm thường quy, chuẩn bị tư tưởng, được thông báo và giải thích về cách tiến hành thủ thuật. 

Hồ sơ bệnh án

Cần ghi rõ tên tuổi địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ ghi điện cơ.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH      

Kiểm tra hồ sơ

Đối chiếu hồ sơ bệnh án và người bệnh.

Kiểm tra người bệnh

Đặt người bệnh ở tư thế thư giãn cơ và chuẩn bị máy ghi.

Thực hiện kỹ thuật

Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh

Mắc điện cực

Để cực âm hướng về phía cặp điện cực ghi, và cực dương ở phía xa. Dây đất được đặt giữa điện cực ghi và điện cực kích thích. 

Đo tốc độ dẫn truyền vận động: đặt một cặp điện cực ghi bề mặt (dây giữa tại mô cái, dây trụ tại mô út). 

Điện cực kích thích: đặt ở thân dây thần kinh ngoại vi của nó (dây giữa, dây trụ tại cổ tay), khi kích thích ta có thời gian tiềm tàng vận động ngoại vi. Sau đó kích thích chính dây thần kinh đó ở phía trên (dây giữa, dây trụ ở khuỷu). 

Đo tốc độ dẫn truyền cảm giác: dây giữa điện cực kích thích đặt ở ngón tay (dây giữa ở ngón II, I, III) điện cực ghi ở cổ tay hoặc nếp khuỷu. Dây trụ điện cực kích thích đặt ở ngón tay V. Điện cực ghi ở cổ tay hoặc rãnh khuỷu. Dây quay điện cực kích thích đặt ở ngay bờ xương quay, điện cực ghi ở hõm lào (da mu tay giữa ngón I và II). 

Sóng F: đặt điện cực kích thích phải để cực âm hướng về gốc chi, còn cực dương ở hướng ngọn dây thần kinh.  

Phản xạ Hoffman: đặt điện cực ghi ở cơ dép, kích thích điện vào thân dây thần kinh ở hố khoeo, vị trí đặt điện cực như trong đo dẫn truyền vận động nhưng điện cực âm ở phần gốc (quay điện cực kích thích 180°).

Cường độ kích thích

Thường dùng xung điện một chiều kéo dài 0,2 - 0,5ms. Cường độ kích thích là cường độ trên cực đại, thường 120% - 130% của chính nó. 

Tiến hành

Đo tốc độ dẫn truyền vận động. Đo tốc độ dẫn truyền cảm giác, sóng F, phản xạ Hoffman, test nhược cơ (nếu cần). 

Test nhược cơ

Cách đặt điện cực kích thích và ghi giống như khi làm về đo tốc độ dẫn truyền vận động. Kích thích lặp lại liên tiếp: chuỗi 10 kích thích liên tiếp, tần số 3Hz (3 kích thích/giây). Chẩn đoán bệnh nhược cơ:

Làm nghiệm pháp gắng sức khi nghi ngờ DƯƠNG TÍNH giảm biên độ các sóng > 10%, lặp lại ở chính cơ đó và giảm như vậy có ở vài cơ nữa.

Sau khi dùng kháng cholinesterase: giảm nhẹ đi hoặc biến mất, càng khẳng định chẩn đoán nhược cơ. Dương tính rõ rệt ở cơ yếu nhất.

 

ĐÁNH GIÁ, GHI HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO

Tình trạng người bệnh sau khi ghi điện cơ đồ.

Ngày giờ ghi điện cơ đồ.

Nhận xét kết quả: kết quả thu được có thay đổi tốc độ dẫn truyền vận động, cảm giác, biên độ đáp ứng, thời gian tiềm tàng ngoại vi của các dây thần kinh có thay đổi không và nếu có tổn thương thần kinh ngoại biên phải hướng đến ưu thế tổn thương mất myelin hay tổn thương sợi trục. Những thay đổi do thần kinh (neurogen) biểu hiện là đa pha, thời khoảng rộng, biên độ cao và những thay đổi do bệnh cơ có các đơn vị vận động giảm về biên độ, thời khoảng ngắn, đa pha.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Vũ Anh Nhị, Lê Minh, Lê Văn Thính, Nguyễn Hữu Công (2010). "Bệnh học Thần kinh - Cơ (Sau Đại học)". Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 245 trang.

Nguyễn Hữu Công (1998). "Chẩn đoán điện và bệnh lý thần kinh - cơ". Nhà xuất bản Y học, 165 trang.

Nguyễn Hữu Công (2013). "Chẩn đoán điện và ứng dụng lâm sàng". Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 125 trang.

Junkimura (2001). "Electrodiagnosis in diseases of nerver and muscles. Principles practice". 991 pages.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top