Theo Viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ, những người đã gặp tình trạng bóng đè cho biết họ thường gặp tình trạng này lần đầu tiên vào năm 14 đến 17 tuổi. Đó là một tình trạng khá phổ biến. Theo ước tính, bóng đè xảy ra ở khoảng 5-40% dân số.
Các cơn bóng đè có thể xảy ra cùng với một rối loạn giấc ngủ khác được gọi là chứng ngủ rũ. Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính, gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức và những cơn buồn ngủ đột ngột khiến người mắc đột nhiên rơi vào giấc ngủ mà không có cảnh báo trước hoặc bị mất kiểm soát cơ bắp nhất thời. Tuy nhiên, chứng bệnh này là tương đối hiếm gặp, và nhiều người không mắc chứng bệnh này vẫn có thể bị bóng đè.
Bóng đè không nguy hiểm. Mặc dù nó đáng báo động đối với một số người khi gặp phải, song đa phần thường không cần đến sự can thiệp y tế.
Các triệu chứng của bóng đè là gì?
Đầu tiên, bị bóng đè không phải là một tình trạng cấp cứu y tế. Hãy làm quen với các triệu chứng của hiện tượng này, và nó có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn nếu gặp phải chúng ở những lần sau đó.
Đặc điểm chung nhất của tình trạng bóng đè là mất khả năng cử động hay nói. Thông thường, tình trạng bóng đè có thể kéo dài trong vài giây đến 2 phút.
Bạn cũng có thể cảm thấy:
cảm giác như có thứ gì đó đang đè bạn xuống
cảm thấy như ai đó hoặc một cái gì đó đang ở trong phòng
cảm thấy sợ hãi
trải nghiệm cảm giác thôi miên và bị thôi miên, được mô tả là ảo giác trong, ngay trước hoặc ngay sau khi ngủ
Tình trạng bị bóng đè sẽ tự kết thúc hoặc khi có người khác chạm vào hay lay chuyển bạn.
Bạn hoàn toàn có thể nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh mình, song không thể cử động hay nói trong toàn bộ thời gian của cơn bóng đè. Bạn cũng có thể nhớ lại chi tiết của từng cơn, sau khi sự tê liệt dần dần biến mất.
Trong một số ít trường hợp, một số người gặp ảo giác khiến họ cảm thấy như đang mơ. Điều này có thể gây sợ hãi hoặc lo lắng, nhưng những ảo giác này là vô hại.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bóng đè?
Bóng đè có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định có nguy cơ bị bóng đè cao hơn những nhóm khác.
Các nhóm có nguy cơ cao bao gồm những người có các dấu hiệu như:
mất ngủ
chứng ngủ rũ
rối loạn lo âu
trầm cảm nặng
rối loạn lưỡng cực
rối loạn căng thẳng sau chấn thương
Việc giấc ngủ bị gián đoạn cũng có liên quan đến khả năng bị bóng đè, ví dụ như làm việc ca đêm. Trong một số trường hợp, bóng đè dường như có yếu tố gia đình. Tuy nhiên, điều này là hiếm gặp, và không có bằng chứng khoa học chứng minh rõ ràng rằng tình trạng này là do di truyền. Bên cạnh đó, nằm ngửa khi ngủ và tình trạng thiếu ngủ cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị bóng đè.
Chẩn đoán bóng đè?
Bạn không phải đi xét nghiệm để chẩn đoán hiện tượng bóng đè, và cũng không có xét nghiệm nào cần làm để chẩn đoán hiện tượng này. Bác sĩ sẽ hỏi về giấc ngủ và tiền sử của bạn, đồng thời có thể yêu cầu bạn ghi chép lại đầy đủ về các thông tin xung quanh giấc ngủ hay các thông tin bạn nắm được trong cơn bóng đè.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiến hành nghiên cứu đánh giá về tình trạng giấc ngủ ban đêm để có thể theo dõi sóng não và nhịp thở của bạn trong khi ngủ. Điều này thường chỉ được khuyến nghị nếu hiện tượng bóng đè khiến bạn mất ngủ nhiều hơn.
Các lựa chọn điều trị khi bị bóng đè?
Các triệu chứng tê liệt cơ bắp trong cơn bóng đè thường biến mất trong vòng vài phút và không để lại bất kỳ ảnh hưởng hay sang chấn nào kéo dài. Tuy nhiên, việc trải nghiệm cơn bóng đè khá đáng sợ và có thể là mối lo ngại đối với nhiều người.
Hiện tượng bóng đè nếu xảy ra đơn độc thường không cần phải điều trị. Nhưng khi hiện tượng này xảy ra kèm theo dấu hiệu chứng ngủ rũ thì đó là lúc bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều này là vô cùng quan trọng, nhất là khi các triệu chứng này ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và cuộc sống của bạn.
Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc để giúp bạn kiểm soát được tình trạng bóng đè, nếu chứng ngủ rũ được coi là nguyên nhân cơ bản gây ra.
Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là các chất kích thích và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), ví dụ như fluoxetine (Prozac). Các chất kích thích giúp bạn tỉnh táo, trong khi SSRIs giúp giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến chứng ngủ rũ.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành nghiên cứu đánh giá tình trạng giấc ngủ của bạn, được gọi là đo đa ký giấc ngủ. Kết quả đánh giá sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn tình trạng hiện tại. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải ngủ ở bệnh viện hay nơi đánh giá, khi bạn được dùng máy móc và thiết bị trong lúc ngủ.
Làm thế nào để dự phòng tình trạng bóng đè?
Việc dụ phòng trước tình trạng bóng đè là rất cần thiết. Thay đổi một vài thói quen trong cuộc sống có thể giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng hay tần suất gặp phải tình trạng này:
Giảm các căng thẳng, áp lực trong cuộc sống
Tập thể dục thường xuyên, nhưng không nên tập quá gần với giờ đi ngủ
Nghỉ ngơi đầy đủ
Giữ cho bản thân một giấc ngủ đều đặn và khoa học
Theo dõi sát các loại thuốc bạn đang sử dụng, nắm được các tác dụng phụ và tương tác của các loại thuốc khác nhau để có thể tránh tương tác không có lợi cho sức khỏe
Hoặc nếu bạn có vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó như lo lắng hay trầm cảm, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể giúp bạn giảm tình trạng bị bóng đè bằng cách giảm tần suất các cơn bóng đè xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp