ĐẠI CƯƠNG GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TÂM THẦN.
Khái niệm
Pháp y tâm thần (PYTT) là một bộ phận của Tâm thần học, phát triển cùng với sự phát triển chung của ngành Tâm thần học. Nếu như Tâm thần bệnh học chỉ chú ý nghiên cứu vấn đề chẩn đoán, tìm nguyên nhân và tính chất bệnh với mục đích chữa bệnh và phòng bệnh thì PYTT chủ yếu nghiên cứu mối liên hệ đặc biệt của các trạng thái rối loạn tâm thần đối với những vấn đề dân sự và hình sự.
Công tác giám định PYTT có mối liên quan mật thiết giữa các ngành Y tế, Công an, Viện kiểm sát, Toà án.
Người bệnh tâm thần do bị rối loạn về ý thức, cảm xúc, tư duy và hành vi tác phong... dẫn đến chỗ phá hoại mối quan hệ đúng đắn giữa người bệnh với tập thể, với xã hội. Nhiều trường hợp làm mất khả năng lao động, khả năng phục vụ trong quân đội, khả năng sử dụng quyền công dân và khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy nhiệm vụ của giám định PYTT là giúp đỡ cho Công an, Toà án xác định chính xác những bị can nghi có rối loạn tâm thần, xác định họ có bị bệnh tâm thần hay không? bệnh gì? mức độ bệnh ra sao? có giả bệnh hoặc làm tăng triệu chứng bệnh không? trách nhiệm của bị can đối với hành vi phạm pháp thế nào? ...
Giám định PYTT còn nhằm bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân tâm thần cũng như trách nhiệm của xã hội về những thiệt thòi dân sự.
PYTT còn có nhiệm vụ giám định trạng thái tâm thần của người làm chứng và người bị thiệt hại nghi có rối loạn tâm thần trong các vụ án hình sự cũng như các vụ kiện dân sự, giám định khả năng hành vi dân sự và khả năng chịu trách nhiệm của những người có liên quan trong các vụ kiện dân sự mà nghi có rối loạn tâm thần.
Năng lực chịu trách nhiệm:
Trong giám định PYTT vấn đề quan trọng là vấn đề xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
Theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật thì những người bình thường trên 14 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm pháp của mình.
Người bị tâm thần được thừa nhận là mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự chỉ khi nào do trạng thái rối loạn tâm thần cấp tính hoặc mạn tính mà họ không nhận thức được, điều khiển được hành vi của mình. Rối loạn hoạt động tâm thần đến mức người bệnh không hiểu được hậu quả về hành động của mình, không nhận thức được tính chất nguy hại đối với xã hội và tính chất phi pháp của những hành động do họ gây nên.
Giám định viên PYTT căn cứ tài liệu thực tế về y học, nghiên cứu trạng thái tâm thần của bị can trong lúc phạm tội để giải quyết vấn đề năng lực trách nhiệm.
Tiêu chuẩn y học:
Tiêu chuẩn y học là vấn đề chẩn đoán bệnh tật, ví dụ như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh ĐK, bệnh loạn thần phản ứng... nhưng không phải mọi bệnh tâm thần đều được miễn trách nhiệm về hành vi phạm pháp mà còn phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể.
Có những bệnh như bệnh TTPL, liệt toàn thể tiến triển thì chỉ chỉ một số ít trường hợp, người bệnh mới được xem là có đủ năng lực chịu trách nhiệm. Nhưng có những bệnh như nhân cách bệnh thì chỉ những trường hợp cá biệt, người bệnh mới được xem là không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Tiêu chuẩn pháp luật:
Gồm 2 yếu tố: về khả năng nhận thức được hành vi và về khả năng ý chí kiềm chế, chỉ đạo được hành vi của mình.
Nội dung tiêu chuẩn pháp luật không nên có sự giải thích thu hẹp. Thực tế có một số người có những hành vi xét bề ngoài thì hành vi của họ như có dự tính rất chính xác nhưng như vậy không có nghĩa là họ vẫn còn đủ năng lực chịu trách nhiệm.
Vấn đề không phải chỉ là năng lực nhận thức được hành vi mà còn đòi hỏi phải có năng lực nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với xã hội của những hành vi đó.
Ý nghĩa của tiêu chuẩn pháp luật là phân tích, đánh giá được cụ thể tính chất và mức độ nặng nhẹ trạng thái rối loạn tâm thần của bị can khi gây án. Do đó phải có đầy đủ những đặc trưng của 2 tiêu chuẩn y học và tiêu chuẩn pháp luật mới có đủ căn cứ để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
Giám định viên căn cứ vào tình hình bệnh tật và tính chất nguy hiểm của những hành vi do bệnh nhân gây nên mà nêu ý kiến về phương pháp chữa bệnh bắt buộc hay không bắt buộc đối với những người được xem là miễn năng lực trách nhiệm hình sự và đối với những người bị bệnh tâm thần sau khi phạm pháp.
Điều trị bắt buộc áp dụng đối với những người bệnh tâm thần có hành vi phạm pháp nghiêm trọng như chém chết người, đánh người gây thương tích, mưu sát, phá rối trật tự trị an.
Việc điều trị bắt buộc và quyền đình chỉ điều trị bắt buộc do toà án quyết định sau khi có sự nhận xét đánh giá trạng thái tâm thần bệnh nhân của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Tổ chức giám định pháp y tâm thần.
Tổ chức GĐPYTT được thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố.
Cấp Trung ương (Bộ Y tế):
Căn cứ vào tình hình thực tế, ở nước ta có 2 địa điểm thường trực tiếp nhận các trường hợp giám định cấp Trung ương. Địa điểm một tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chịu trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố phía Bắc và chung cho cả nước. Địa điểm hai tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (tại Biên Hoà) cho các tỉnh phía Nam.
Cấp tỉnh, thành phố:
Do UBND ra quyết định theo đề nghị của Sở Y tế và Sở Tư pháp và bộ phận thường trực đặt tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.
Tiêu chuẩn giám định viên PYTT:
Có phẩm chất chính trị tốt.
Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
Có thâm niên công tác về nghiệp vụ chuyên môn đó ít nhất là 5 năm.
Nơi nào có 3 giám định viên tâm thần trở lên thì thành lập tổ giám định PYTT và bổ nhiệm một giám định viên trưởng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của giám định viên:
Nhiệm vụ:
Thực hiện các nội dung giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu.
Kết luận giám định bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận đó.
Giải thích bản kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Giám định bổ sung hoặc giám định lại khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu.
Không được để lộ tài liệu và kết quả giám định.
Tuân thủ các qui định khác của pháp luật tố tụng.
Người nào từ chối hoặc trốn tránh trách nhiệm kết luận giám định thì bị xử lí theo điều 242/BLHS.
Quyền hạn:
Từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định.
Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bổ sung tài liệu và tạo mọi điều kiện cần thiết phục vụ cho việc giám định.
Viết kết luận riêng của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung (trường hợp giám định tập thể).
Khi tham gia giám định tại hội đồng xét xử, giám định viên được hỏi bị can.
Trong khi tiến hành giám định, giám định viên được cơ quan pháp luật bảo vệ tính mạng, tài sản và danh dự.
Giám định viên trưởng:
Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ của giám định viên trưởng như sau:
Giúp thủ trưởng ngành chuyên môn quản lí danh sách giám định viên.
Đầu mối liên hệ công tác với các cơ quan hữu quan.
Cử giám định viên tham gia giám định kịp thời từng vụ việc.
Phân cấp giám định:
Giám định viên cấp trung ương:
Giám định các vụ việc do cơ quan tố tụng trung ương ngang cấp trưng cầu.
Giám định các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn tuyến tỉnh, thành phố nhưng phải thông qua ngành dọc, cấp trên của cơ quan trưng cầu ra quyết định.
Giám định cấp tỉnh, thành phố:
Giám định các vụ việc do cơ quan tố tụng địa phương trưng cầu (tỉnh, thành phố, huyện, quận).
Thẩm quyền trưng cầu giám định PYTT:
Đối với các trường hợp khi đưa ra xét xử, mọi người công dân, kể cả bị can, đều có quyền yêu cầu giám định nhưng chỉ có cơ quan tố tụng mới có quyền ra quyết định trưng cầu giám định.
CÁC HÌNH THỨC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TÂM THẦN.
Giám định nội trú:
Hình thức này giám định với những trường hợp khó khăn và phức tạp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Can phạm được lưu lại tại cơ sở giám định PYTT của bệnh viện chuyên khoa tâm thần.
Giám định viên có trách nhiệm theo dõi khám xét lâm sàng, cho làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho giám định. Đồng thời nghiên cứu hồ sơ tài liệu do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp. Khi đủ điều kiện thì tiến hành giám định và làm văn bản kết luận. Thời gian lưu can phạm để làm giám định tại cơ sở giám định nội trú trung bình 6 tuần. Nếu thấy cần thiết kéo dài thêm nhưng phải thông báo cho cơ quan trưng cầu giám định rõ.
Giám định tại phòng khám:
Áp dụng những trường hợp đơn giản để chẩn đoán và xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Can phạm được đưa tới phòng khám chuyên khoa, tại đó giám định viên tiến hành thăm dò và cho kết quả giám định. Đương nhiên giám định viên đã phải nghiên cứu hồ sơ và cho làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho giám định trước đó.
Giám định tại chỗ:
Đối với một số trường hợp nếu như sau khi giám định viên xem xét thấy có thể tiến hành giám định tại chỗ được và thuận lợi thì tiến hành. Thường thì áp dụng đối với trường hợp đang bị giam giữ, nếu đưa ra ngoài có khó khăn về quản lí và phức tạp về chuyên môn.
Giám định tại hội đồng xét xử:
Hình thức giám định tại hội đồng xét xử hỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh tật đã rõ ràng và đã có thời gian điều trị nội trú. Mục đích của hình thức giám định này thực chất là giám định viên được trưng cầu tại hội đồng xét xử để làm sáng tỏ thêm kết luận của tập thể igám định hoặc của mình cho hội đồng xét xử và bên tham dự rõ.
Giám định vắng mặt:
Giám định vắng mặt là những trường hợp giám định đặc biệt, thường gặp trong pháp y tâm thần, khi không có mặt bị can hoặc bị cáo. Khi cả hai bên đều vắng mặt, có thể gọi là giám định theo hồ sơ.
Thường là giám định bị can gây án, người bị hại bị chết, sau đó bị can tự sát thành công. Việc giám định chỉ còn dựa vào các hồ sơ và những người làm chứng.
Ngoài ra, khi giám định những trường hợp hồ sơ đầy đủ, song toà án hoặc viện kiểm sát còn nghi ngờ kết luận của hội đồng giám định pháp y này và giao hồ sơ cho hội đồng giám định khác.
Những trường hợp cần đánh giá về khả năng hành vi của những người đã chết trong các vụ kiện dân sự được gọi là giám định vắng mặt một bên (hay một phần).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh