Hàng ngàn năm qua, những điều xảy ra trong giấc mơ luôn là vấn đề thu hút biết bao nhà triết gia tìm hiểu và nghiên cứu. Gần đây, vấn đề này lại càng được quan tâm và tập trung nghiên cứu nhiều hơn nữa để đi tìm lời giaircho câu hỏi: Vì sao chúng ta lại nằm mơ?
Bạn có thường bối rối bởi những gì xảy ra trong giấc mơ và đã từng tự hỏi tại sao giấc mơ lại xuất hiện trong giấc ngủ của mình hay chưa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những điều thú vị đó qua bài đọc dưới đây:
Bạn trải nghiệm giấc mơ mỗi đêm, khi đang say ngủ. Một giấc mơ có thể bao gồm bất cứ hình ảnh, ý nghĩ và cảm xúc nào bạn trải nghiệm trong lúc ngủ. Giấc mơ có thể rất mơ hồ hoặc cực kỳ sống động, tràn đầy cảm xúc vui sướng hoặc đầy rẫy những hình ảnh đáng sợ. Có những khi thật đơn giản, nhưng cũng có thể vô cùng phức tạp hoặc cực kỳ bất ngờ, vô lý.
Tất cả chúng ta đều mơ nhưng tại sao có giấc mơ khiến cho bản thân chúng ta cũng như các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý học vất vả đi tìm câu trả lời?
Điều quan trọng nhất: vì sao chúng tai lại mơ? Giấc mơ có ý nghĩa gì với cơ thể chúng ta, với cuộc sống của chúng ta?
Dù đã có rất nhiều học thuyết đưa ra nhưng câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục. Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực không ngừng, tiêu phí thời gian, công sức, tiền bạc để khám phá chức năng và mục đích chính xác của giấc mơ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc hình thành giấc mơ không bởi bất kỳ mục đích nào cả. Một số khác lại tin rằng giấc mơ là cực kỳ quan trọng, có thể quyết định sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của mỗi chúng ta. Ernest Hoffman, giám đốc Trung tâm Điều trị Rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Newton phát biểu trên Tạp chí Khoa học Hoa Kỳ (2006) rằng “…giấc mơ có thể có một chức năng (mặc dù chưa được kiểm chứng) là giúp thêu dệt thêm những vật liệu mới vào bộ nhớ của chúng ta theo hai cách, vừa giảm kích thích cảm xúc vừa giúp ta thích nghi và đối phó với những việc gây căng thẳng, chấn thương trong cuộc sống.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu một số học thuyết đáng chú ý về giấc mơ dưới đây.
Một trong những học thuyết lớn giải thích tại sao chúng ta lại ngủ là bởi vì giấc ngủ cho phép ta hợp nhất và xử lý tất cả những thông tin thu thập được trong suốt thời gian ban ngày. Một vài chuyên gia về giấc mơ còn cho rằng giấc mơ đơn giản chỉ là một sản phẩm phụ hoặc thậm chí là một phần tích cực trong quá trình xử lý thông tin. Khi ta xử lý vô số thông tin và ký ức về những thứ diễn ra trong ngày, tâm trí ta tạo ra những hình ảnh, ấn tượng và câu chuyện để tái hiện trong lúc ngủ, nhằm kiểm soát tất cả hoạt động diễn ra trong đầu khi ngủ.
Theo góc nhìn phân tâm học, học thuyết về những giấc mơ của Sigmund Freud cho rằng giấc mơ đại diện cho những ham muốn, những suy nghĩ và động lực trong trạng thái vô thức của con người. Theo quan điểm cá nhân của Freud, trong trạng thái tỉnh táo, con người chúng ta bị điều khiển, kìm giữ những bản năng và dục vọng. Những suy nghĩ này không thể hiện trong lúc người ta tỉnh táo, và ông cho rằng bằng cách nào đó, những bản năng và dục vọng bị kìm nén sẽ len lỏi và tìm cách xuất hiện trong các giấc mơ.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Giải mã giấc mơ”, Freud định nghĩa giấc mơ là "sự hoàn thiện vô hình của những ham muốn bị kìm nén.”
Ông cũng mô tả hai yếu tố khác nhau của giấc mơ: nội dung rõ ràng và nội dung tiềm ẩn. Nội dung rõ ràng được hình thành từ những hình ảnh, suy nghĩ và nội dung có thực chứa đựng trong giấc mơ; trong khi nội dung tiểm ẩn lại đại diện cho những suy nghĩ thầm kín ẩn giấu trong mỗi giấc mơ.
Học thuyết của Freud đã góp phần không nhỏ trên con đường tìm hiểu và giải mã giấc mơ của các nhà khoa học cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào mô tả được hiện tượng nội dung rõ ràng làm che dấu đi sự quan trọng về mặt tâm lý trong thực tế của một giấc mơ.
Mô hình Kích thoạt - Tổng hợp giấc mơ được trình bày lần đầu vào năm 1977 bởi J. Allan Hobson và Robert McClarley. Theo học thuyết này, chu trình hoạt động trong não được kích hoạt trong giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), làm kích hoạt những vùng trong hệ viền quy định cảm xúc, giác quan và trí nhớ. Não sẽ tổng hợp và giải mã hoạt động này, nỗ lực tìm ra ý nghĩa của những tín hiệu xuất hiện, kết quả là giấc mơ xuất hiện.
Mô hình này cho rằng giấc mơ là một cách giải mã những tín hiệu phát ra bởi não bộ trong lúc ngủ.
Mặc dù học thuyết này cho rằng giấc mơ là sản phẩm của quá trình kích hoạt tín hiệu từ bên trong nhưng Hobson không tin rằng giấc mơ là vô nghĩa. Thay vào đó, ông cho rằng giấc mơ là trạng thái tỉnh thức sáng tạo nhất của chúng ta, là trạng thái mà sự tái kết hợp tự phát và lộn xộn những yếu tố nhận thức làm xuất hiện những cấu hình thông tin mới lạ: những ý tưởng mới. Mặc dù hầu hết những ý tưởng này có thể khá vô nghĩa, nhưng chỉ cần một chút sản phẩm nào đó thực sự sử dụng được thì cũng đủ để nói rằng thời gian ta mơ là không hề lãng phí.
Bên cạnh những học thuyết ở trên, nhiều quan điểm khác cũng được đưa ra để giải thích cho sự xuất hiện và ý nghĩa của giấc mơ. Sau đây là một số ý tưởng đáng chú ý:
Học thuyết cho rằng giấc mơ là kết quả của việc não bộ cố gắng giải thích những kích thích từ bên ngoài trong quá trình ngủ. Ví dụ như những âm thanh của radio bạn nghe được trong thời gian ban ngày được nhắc lại vào nội dung của giấc mơ ban đêm.
Học thuyết khác lại ẩn dụ giấc mơ với máy tính. Theo đó, giấc mơ đóng vai trò “dọn dẹp” những mới lộn xộn trong tâm trí, như kiểu dọn dẹp rác trong máy tính, làm mới tâm trí để chuẩn bị cho ngày tiếp theo.
Một mô hình khác lại cho rằng giấc mơ hoạt động như một hình thức trị liệu cho tâm lý. Theo đó, người đang mơ sẽ có thể tạo lập kết nối giữa những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau trong một môi trường an toàn.
Dù rằng giấc mơ đôi khi rất kỳ lạ và chúng ta vẫn chưa thể giải thích và hiểu hết về giấc mơ, nhưng chắc chắn giấc mơ có một vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới suy nghĩ của chúng ta. Và vì vậy, những nghiên cứu về giấc mơ vẫn đang được các nhà khoa học, tâm lý học đi tìm kiếm câu trả lời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh