✴️ Hội chứng viêm dây thần kinh cấp tính nguyên phát

Nội dung

Viêm dây thần kinh cấp tính làm xuất hiện các cơn đau nhức dữ dội, kèm theo rối loạn cảm giác, yếu cơ, thậm chí nếu nặng có thể gây liệt cơ hô hấp, liệt vận động, rối loạn thần kinh tự động. Viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính còn được gọi là hội chứng Guillain Barre. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

 

1. Viêm dây thần kinh cấp tính và nguyên nhân

1.1 Viêm dây thần kinh cấp tính là gì?

Hội chứng viêm dây thần kinh cấp tính là tình trạng viêm và mất bao Myelin của dây thần kinh ngoại biên. Nguyên nhân do nhiễm trùng, khiến cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại, nhưng chính kháng thể này đã tấn công và làm tổn thương Myelin và/hoặc sợi trục của rễ và dây thần kinh ngoại biên.

Đây là một dạng cấp cứu thần kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, thường mắc ở trẻ trên 4 tuổi và tỷ lệ nam mắc bệnh như nữ.

Bạn cần phân biệt, viêm đa rễ và dây thần kinh ngoại biên gồm có 2 dạng:

– Viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính (còn gọi là hội chứng Guillain Barre).

– Viêm đa rễ và dây thần kinh mãn tính.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tập trung vào hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính.

Cấu tạo dây thần kinh

 

1.2 Nguyên nhân viêm dây thần kinh cấp tính

Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh vẫn chưa rõ ràng nhưng bệnh thường xảy ra sau khi nhiễm trùng virus herpes, sởi, hồng ban, thủy đậu, quai bị, … đôi khi có thể khởi phát sau tiêm chủng hoặc phẫu thuật. Đây là loại bệnh tự miễn.

Bệnh thường xuất hiện sau 1 đến 3 tuần khi cơ thể có nhiễm trùng.

 

2. Triệu chứng viêm dây thần kinh cấp tính

Biểu hiện của viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính thường diễn ra đột ngột và diễn biến nhanh. Ban đầu là biểu hiện đau nhức, rối loạn cảm giác, sau đó là các dấu hiệu yếu và liệt vận động.

– Liệt vận động:

Thường xảy ra ở hai chi dưới, sau vài ngày liệt có xu hướng lan lên hai chi trên, có khi liệt cả cơ thân mình và cơ gáy. Khi cơ gian sườn bị liệt sẽ gây khó thở, liệt hô hấp. Tổn thương đến vùng thân não gây liệt mặt hai bên, liệt hầu họng, có thể liệt vận nhãn.

– Người bệnh mất dần trương lực cơ, giảm hoặc mất phản xạ gân xương.

– Rối loạn cảm giác nông, sâu

– Rối loạn thần kinh thực vật: hệ thần kinh giao cảm bị tổn thương gây biến loạn tuần hoàn, loạn nhịp tim, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.

Viêm đa rễ và dây thần kinh gồm 6 mức độ, nặng (mức độ 6) có thể gây tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tùy từng vị trí dây thần kinh bị viêm mà người bệnh sẽ có biểu hiện và mức độ đau khác nhau

 

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1 Chẩn đoán

Người bệnh cần được thăm khám sớm để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như: rối loạn chuyển hóa dây thần kinh, thiếu vitamin B1, B12, bệnh hệ thống (tăng ure máu, đái tháo đường, ngộ độc dây thần kinh do thuốc, ngộ độc dây thần kinh do kim loại nặng, khuyết tật chuyển hóa bẩm sinh).

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ chuyên môn sẽ cho người bệnh thực hiện thêm một số chẩn đoán cận lâm sàng để đánh giá chính xác như:

– Xét nghiệm công thức máu (trong giới hạn bình thường).

– Dịch não tủy (phân ly đạm tế bào sau 7-10 ngày albumin tăng dưới 1g/l).

– Điện cơ đồ (tốc độ dẫn truyền vận động giảm).

– Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scaner).

3.2 Điều trị

Cần theo dõi liên tục người bệnh, đặc biệt chú ý đến chức năng hô hấp nếu yếu liệt cơ hô hấp cần chuyển ngay đến đơn vị điều trị tích cực thở máy.

Bổ sung Gamma globulin hoặc Solumedrol, các vitamin nhóm B (B1, B6, B12), thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, thuốc giảm đau, thay huyết tương, methylpretnisolon,…

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ số lượng và chất lượng.

Xoa bóp, vận động

Thời gian tiến triển của bệnh qua 3 giai đoạn như sau:

– Gai đoạn cấp: thường kéo dài từ 2-15 ngày, từ lúc có triệu chứng ban đầu cho đến liệt tối đa.

– Giai đoạn tiếp diễn: 7-15 ngày từ lúc liệt vận động tối đa đến khi có dấu hiệu bình phục.

– Giai đoạn bình phục.

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi được thăm khám kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn nguy hiểm, và hồi phục hoàn toàn sau 6 đến 1 năm. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân có thể để lại di chứng về vận động hoặc cảm giác.

Chính vì vậy, phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân.

Ngay khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: tê, ngứa da, kèm theo yếu hoặc liệt vận động từ 2 chân đến tứ chi, đi lại khó khăn, ăn uống rơi vãi, khó nuốt, dễ bị sặc khi ăn, uống … Bạn nên đưa người bệnh đến ngay chuyên khoa Thần kinh hoặc Hồi sức cấp cứu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top