Ma túy, rượu và lái xe

Ma túy gồm nhiều loại khác nhau, nhưng nói chung được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ).  Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh, trong khi hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…). Do rượu cũng gây ức chế thần kinh, nên nếu sử dụng đồng thời rượu và heroin sẽ có tác động hiệp đồng gây ức chế thần kinh quá đáng, làm buồn ngủ và chậm các phản xạ hoặc đưa ra các quyết định xử lý tình huống sai lầm (trong lái xe có thể là thay vì đạp chân phanh thì đạp nhầm chân ga) và gây ra các hậu quả thảm khốc.

Ngoài ra, người nghiện heroin nếu không có heroin trong vòng 4-6 tiếng sẽ có hội chứng cai rất khó chịu, lúc đó họ mất khả năng làm chủ bản thân và có những hành vi nguy hiểm. Đa số người nghiện heroin khi lên cơn nghiện thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say.

Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế dương tính với heroin và có nồng độ cồn cao. Thật khó mà biết tài xế đang ở “thì” nào của cơn nghiện heroin, (đang phê hay đang đói thuốc và dùng rượu để làm giảm sự khó chịu do đói thuốc) vì test nhanh nước tiểu chỉ có thể cho kết quả là người đó CÓ THỂ đã sử dụng heroin trong vòng 5-7 ngày trở lại đây, test nồng độ heroin trong máu và trong nước tiểu cùng thời điểm sẽ cho kết quả chính xác hơn và có kết luận chính xác về “thì” của tài xế. Tuy nhiên, điều này cũng không quá cần thiết, vì dù ở “thì” nào cũng đều làm mất khả năng điều khiển và vận hành phương tiện giao thôn.

Test nhanh nước tiểu sẽ không phân biệt được heroin hay codein (có trong viên thuốc ho terpin codein hay viên thuốc cảm efferalgan codein). Do đó, việc lái xe trong 1 tình trạng không tỉnh táo hết sức nguy hiểm. Giả sử, 1 xe ô tô đang lưu thông với tốc độ 50km/h và chỉ cần phản ứng chậm 1 giây (chậm rời chân ga để đạp chân thắng trong 1 giây) thì xe đã trôi về phía trước được 13,8m (50.000m/3.600 giây) và tai nạn đã có thể xảy ra.

Ngoài ra, lưu ý lượng rượu uống vào và nồng độ rượu khi test còn phụ thuộc vào tình trạng chức năng gan, thận và thời gian từ lúc uống đến lúc bị kiểm tra. Người suy giảm chức năng gan, thận thì nồng độ sẽ cao hơn và thời gian sẽ dài hơn.

Các ảnh hưởng cấp của rượu lên não bộ: (theo tài liệu : Drinking and driving, World Health Organization, Global Road Safety Partnership 2007).

- 10-50mg/100ml máu # 0,05mg-0,25mg/l khí thở: suy giảm nhẹ khả năng phán xét, phấn kích và tăng hoạt động, vài vùng não bộ bị ức chế.

- 60-100mg/100ml máu # 0,3-0,5mg/1 khí thở: vỏ não bị ức chế lan tỏa, có cảm giác buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và đưa ra quyết định hợp lý, trương lực cơ giảm. Ở nồng độ này việc điều khiển xe rất dễ gây tai nạn và vì thế hầu hết các quốc gia đều cấm ở nồng độ này.

- Khi nồng độ đạt trên 400mg/100ml máu # 2mg/l khí thở: hôn mê, suy hô hấp, có thể ngưng thở và tử vong Do rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời (phản xạ bị chậm) nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Giả sử, 1 xe ô tô đang lưu thông với tốc độ 50km/h và chỉ cần phản ứng chậm 1 giây (chậm rời chân ga để đạp chân thắng trong 1 giây) thì xe đã trôi về phía trước được 13,8m (50.000m/3.600 giây). Đó chính là sự nguy hiểm khi lái xe mà có 1 lượng cồn trong cơ thể.

"Không uống dù chỉ 1 ngụm bia nếu cầm vô lăng, dù bạn hoàn toàn tỉnh táo. Nếu lỡ uống, dù chỉ 1 lon bia mà chạy xe gắn máy thì đã vượt ngưỡng xử phạt theo nghị định của Chính phủ. Trường hợp này chỉ còn cách đi xe ôm, taxi hay ngồi khoảng1-2 tiếng và ngừng uống đề nồng độ còn dưới ngưỡng", chuyên gia về bệnh lý tâm thần kinh khuyến cáo.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top