✴️ Mất ngủ mạn tính và những hệ lụy khôn lường do mất ngủ

Mất ngủ mạn tính là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc vào ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được kéo dài liên tục trong 1 tháng. Nếu không được điều trị, đây có thể là tiền đề cho các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ… rất nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này để nhận biết và phòng ngừa qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Mất ngủ mạn tính là gì?

Mất ngủ dạng mạn tính hay mất ngủ kinh niên là tình trạng mất ngủ kéo dài trong tối thiểu 1 tháng. Nếu thời gian mất ngủ ngắn hơn 1 tháng, xuất hiện rời rạc thì được gọi là mất ngủ cấp tính. 

Các trạng thái của mất ngủ kinh niên thường là: người bệnh khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ sâu vào ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Có khoảng 10% dân số thế giới gặp phải tình trạng này.

10% dân số thế giới bị mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng

 

2. Triệu chứng của mất ngủ dạng mạn tính

Mất ngủ mạn tính biểu hiện thành rất nhiều triệu chứng. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ mất ngủ. Các biểu hiện đó là:

– Người bệnh khó đi vào giấc ngủ, nằm mãi nhưng trằn trọc không ngủ được

– Tỉnh giấc nhiều lần trong đêm và khó ngủ trở lại

– Thường thức giấc sớm

– Mệt mỏi khi thức dậy, không có cảm giác được nghỉ ngơi, phục hồi

– Không tỉnh táo vào ban ngày: lờ đờ, uể oải, hay buồn ngủ

– Khó tập trung, giảm trí nhớ và sự chú ý trong công việc 

– Căng thẳng, dễ nổi giận, cáu gắt

– Thường xuyên lo âu dẫn đến trầm cảm

– Đau đầu

– Có thể bị ảo giác

 

3. Mất ngủ kéo dài thường do những nguyên nhân nào?

3.1 Mất ngủ mạn tính do bệnh tật

Các bệnh lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn giấc ngủ, trong đó có mất ngủ. Những căn bệnh thường kèm theo những khó chịu, đau nhức về ban đêm khiến người bệnh cảm thấy khó ngủ gồm:

– Các bệnh về xương khớp gây đau nhức về đêm: đó là thoái hoá đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương…

– Các bệnh về tim mạch: như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim gây đau ngực, khó thở.

– Các bệnh đường hô hấp: đây có thể là nguyên nhân của tình trạng ho nhiều, khó thở về đêm. Thậm chí có thể kể đến giãn, hen phế quản.

– Các bệnh tiêu hoá: điển hình là bệnh dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hoá… dễ gây ra những cơn trào ngược. Hậu quả là những cơn ợ nóng, ợ trớ lên thực quản, họng thanh quản.

– Các bệnh thận – niệu: sỏi thận, sỏi tiết niệu, u xơ tuyến tiền liệt,… khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần trong đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

– Bệnh tâm thần: Người có bệnh tâm thần thường không kiểm soát được giấc ngủ, bị mất ngủ nhiều và khó ngủ trở lại hơn người bình thường.

3.2. Mất ngủ do rối loạn tâm lý

Nếu người bệnh gặp phải nhiều căng thẳng, lo âu vào ban ngày thì sẽ dễ bị mất ngủ về đêm hơn.  Stress kéo dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ mạn tính. 

Trong nhiều trường hợp, quá lo lắng cho giấc ngủ của mình cũng khiến người bệnh dễ mất ngủ. Bởi khi cố gắng ngủ nghĩa là bệnh nhân đang cố tình quên đi một điều gì đó. Điều này khiến bạn gặp phải tình trạng: giật mình tỉnh giấc trong đêm, thức trắng đêm, thiếp đi khi quá mệt mỏi. Như vậy tình trạng mất ngủ càng thêm tồi tệ.

3.3. Mất ngủ do môi trường

Không gian sống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ. Nếu sống trong những căn nhà quá chật, đông người, ồn ào, mất vệ sinh… thì người bệnh sẽ dễ mất ngủ hơn.

Tỉ lệ người sống trong thành phố lớn bị mất ngủ thường cao hơn ở các vùng quê. 

3.4. Mất ngủ do ăn uống không điều độ

Nếu ăn quá no, uống nhiều nước trước khi ngủ gây ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ. Ngoài ra, uống rượu, bia, ăn nhiều chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá…) thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ kéo dài.

3.5. Mất ngủ mạn tính do suy giảm các chức năng của cơ thể

Tuổi tác càng cao thì các chức năng của cơ thể càng dễ bị suy giảm. Trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất. Đây là một nguyên nhân khiến mất ngủ ở người già.

Ngoài ra, sự tăng, giảm các hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh – mãn kinh cũng được xem là một yếu tố gây ra bệnh mất ngủ kéo dài.

 

4. Những hệ lụy từ chứng mất ngủ kinh niên

Mất ngủ kéo dài không chỉ gây những mệt mỏi triền miên mà còn gây rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Mất ngủ kéo dài gây ra các vấn đề như:

– Thoái hóa tế bào, ngộ độc tế bào

– Các bệnh tim mạch, cao huyết áp, dẫn đến nguy cơ đột quỵ rất cao

– Thừa cân, béo phì, dẫn đến tiểu đường 

Do vậy, phòng ngừa mất ngủ kinh niên và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa những nguy cơ do bệnh gây ra.

Mất ngủ giai đoạn mạn tính khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, giảm tập trung, hứng thú trong công việc

 

5. Cách phòng ngừa bệnh mất ngủ chuyển sang mạn tính

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa bệnh mất ngủ kéo dài, người bệnh cần chú ý những điều sau:

– Tạo tinh thần thoải mái trước khi ngủ: Hoạt động quá nhiều trước khi ngủ làm tăng năng lượng, tiết nhiều cholesterol, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Do vậy, trước khi đi ngủ nên để cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái. Tránh để những muộn phiền, lo âu ảnh hưởng tới giấc ngủ.

– Cải tạo không gian phòng ngủ: Luôn giữ phòng ngủ thông thoáng và yên tĩnh giúp giấc ngủ ngon hơn. Đôi khi có thể thay đổi phòng ngủ hoặc thay đổi cách trang trí trong phòng cũng rất có lợi cho giấc ngủ.

– Tránh sử dụng các chất kích thích: Tránh xa trà, cà phê, rượu bia vào ban đêm. Bên cạnh đó, hãy chú ý xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện, làm việc hợp lý.

– Hạn chế sử dụng thuốc ngủ: Thuốc ngủ có tác dụng an thần nhưng sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi khi thức dậy. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài còn gây nhiều tác dụng phụ. Nguy hiểm nhất là phá vỡ chu kỳ thức – ngủ của người bệnh, gây chóng mặt, đau đầu, dễ bị kích động, kèm theo những biến chứng liên quan đến gan, thận. Nhiều trường hợp người bệnh đã chuyển từ mất ngủ cấp tính thành mạn tính, đột quỵ do lạm dụng thuốc. 

 

6. Điều trị mất ngủ mạn tính bằng cách nào?

Khi gặp tình trạng mất ngủ, người bệnh cần gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời. Như vậy sẽ ngăn ngừa được mất ngủ chuyển từ cấp tính sang mạn tính. 

Nếu bệnh mất ngủ đã chuyển sang mạn tính, sự theo dõi và tư vấn của chuyên gia càng trở nên cần thiết. Thông thường các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống để cải thiện bệnh mất ngủ.

Như vậy, có thể thấy mất ngủ mạn tính gây rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Khi cảm thấy mất ngủ, khó ngủ, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để cải thiện tình trạng này sớm, bảo vệ sức khỏe lâu dài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top