✴️ Hoạt chất Rutin trong cây hoa hòe

Năm 1842, lần đầu tiên rutin được phân lập từ cây Vân hương– Ruta graveolens L. bởi một Dược sĩ người Đức. Nhưng đến năm 1942, Rutin mới được sử dụng nhiều trong Y học. Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về Rutin trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khẳng định hoạt tính sinh học và dược lý cao của hoạt chất này.

Rutin có công thức hóa học là C27H30O16 còn được gọi là vitamin P hay là flavonol glycosit gồm hai thành phần là flavonol quercetin và disaccarit rutinose. 

Theo dược lý hiện đại, Rutin là một hoạt chất có rất nhiều công dụng như: Tăng cường sức đề kháng, giảm tính thấm mao mạch, chống viêm, hạ huyết áp và cholesterol máu,…

Công dụng của Rutin

1. Tăng cường sức đề kháng, giảm tính thấm mao mạch

Rutin có tác dụng gây co mạch trực tiếp hệ mao quản, đồng thời cùng với Quercetin ngăn cản sự phá hủy Adrenalin (chất gây tăng cường sức đề kháng của mao mạch). Từ đó, gây ra hiện tượng giảm tính thấm của mao mạch, tăng tính bền của mao mạch và tế bào hồng cầu.

2. Tác dụng chống viêm
Thí nghiệm in vivo trên cơ thể động vật cho thấy các flavon dạng Rutin có tác dụng chống viêm. Giả thuyết về cơ chế của hiện tượng này có thể do Rutin ức chế sự di chuyển bạch cầu tới ổ viêm hoặc kích thích tuyến thượng thận tiết Adrenalin đồng thời chống yếu tố gây viêm.

3. Tác dụng hạ huyết áp và cholesterol máu
Rutin có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt ở thí nghiệm in vivo trên cơ thể động vật; Quercetin có tác dụng hạ cholesterol máu đồng thời có tác dụng điều trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch thực nghiệm.

4. Tác dụng chống kết tập tiểu cầu
Thí nghiệm in vivo trên động vật cho thấy hoạt chất Rutin làm giảm số lượng tiểu cầu và ức chế kết tập tiểu cầu.

5. Công dụng khác

Các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chứng minh rất nhiều tác dụng khác của Rutin: Tác dụng trên bệnh parkinson, hoạt tính chống đái tháo đường, hoạt tính dọn gốc tự do, chống ung thư… Trên thực tế, Rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết, đề phòng tai biến do mạch máu bị xơ vữa, giòn dễ vỡ, khi có biểu hiện về tổn thương mao mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết võng mạc, xuất huyết có liên quan đến vữa xơ động mạch, tăng huyết áp.

 

Vậy, nguồn cung cấp dược chất quý này là từ đâu?

Theo các nghiên cứu và báo cáo đã được công bố, cây hoa Hòe là một nguồn nguyên liệu giá trị để chiết xuất Rutin. So với hơn 50 loài thực vật có chứa Rutin, Hòe có hàm lượng cao hơn cả. Hiệu suất chiết xuất rutin trong nụ hoa Hòe có thể đạt 34,44%- cao gấp 4 đến 5 lần các nguyên liệu thường được sử dụng để chiết xuất hoạt chất này trên thế giới.

Thành phần hóa học:

  • Nụ Hòe có hàm lượng Rutin cao nhất trong các loại nguyên liệu chiết Rutin. Ngoài ra, còn có Sophoradiol – Sophorin A – Sophorin B – Sophorin C và Bertulin.
  • Lá Hòe (Folium Sophorae japonicae) chứa 4,4% Rutin, 19% Protein, 3,5% Lipid.
  • Quả Hòe non (Fructus Sophorae japonicae) có 4,6% Rutin và một số thành phần khác.
  • Vỏ quả Hòe già– Hòe giác chứa 10,5% Flavonoid toàn phần, Rutin 4,3% và một số thành phần khác.

Thu hoạch:

  • Về mùa hoa vào tháng 7 đến tháng 9 khi nụ hoa bắt đầu nở lốm đốm thì thu hoạch. Cắt cành có nụ hoa, phơi khô rồi rũ cành lấy nụ.
  • Hàm lượng Rutin trong nụ Hòe tấm (<1mm) đạt 38.38%, nụ Hòe có kích thước trung bình và nhỡ (1-2mm) đạt 35,2%. Khi phát triển hoa, hàm lượng Rutin giảm 26,28% so với nụ.
  • Hái quả Hòe già (hạt có màu đen nâu) phơi hoặc sấy khô (khi dùng bỏ hạt).

Bào chế:

  • Hàm lượng rutin trong hoa hòe giảm dần từ dạng sống (34,7%), dạng sao vàng (28,9%) đến dạng cháy (18,5%).
  • Sau khi phơi khô, sao nụ hoa ở nhiệt độ 100-1100C đến khi có màu vàng thẫm là được. Nụ hòe rất dày nên phải sao khá lâu mới khô hẳn, mất nhiều thời gian. Nhiệt độ sao hoa Hòe nên tiến hành trong khoảng từ 80 đến 1200C.
  • Hàm lượng Rutin giảm dần khi sao ở nhiệt độ trên 400C và hàm lượng Quercetin tăng dần khi sao ở nhiệt độ này và tăng mạnh khi sao ở mức trên 2000C.

Xem thêm: Tác dụng của hoa hòe trong điều trị tăng huyết áp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top