Bệnh xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ, gây ra chảy máu trong nhu mô não. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, dễ đe dọa tính mạng bệnh nhân. Điều trị xuất huyết não bằng cách nào và hiệu quả đến đâu luôn là vấn đề nhiều người muốn tìm hiểu.
Xuất huyết não chiếm tỉ lệ 15-20% trong tai biến mạch máu não. Đặc biệt, tỷ lệ người bị xuất huyết não tại Việt Nam và các nước châu Á thường cao hơn so với các nước phương tây.
Tình trạng này xảy ra do các vấn đề sau tác động:
– Tăng huyết áp: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất huyết não.
– Bệnh mạch máu thoái hóa dạng bột.
– Do sử dụng các thuốc kháng đông như: heparin, kháng vitamin K, hoặc lạm dụng thuốc, đặc biệt là cocain.
– Dị dạng mạch máu (phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch, u mạch hang).
– Khối u
– Chấn thương
– Rối loạn đông máu
– Các nguyên nhân khác: bệnh lupus ban đỏ lan toả, bệnh viêm nút nhiều động mạch, bệnh Wegener. Hoặc tình trạng phình mạch do nhiễm trùng, sản giật, nghiện rượu, chấn thương.
Bệnh nhân xuất huyết não cần được kiểm soát tình trạng chảy máu, hạn chế nguy cơ khối máu tụ lan rộng và chảy máu tái phát.
Thực hiện các khâu điều trị xuất huyết não tổng quát bao gồm:
Phương pháp ABCs: nhằn làm thông thoáng đường thở, thông khí đầy đủ, tuần hoàn ổn định. Đồng thời cho bệnh nhân thở oxy khi có tình trạng thiếu oxy.
Chỉ định đặt nội khí quản khi bệnh nhân: thiếu oxy, suy hô hấp, rối loạn nhịp thở, hôn mê, nguy cơ hít sặc cao.
Truyền dịch tăng cường thể lực: truyền dung dịch Ringer lactate, muối đẳng trương, tránh dùng glucose, với liều lượng 1,5 – 2 lít/ngày.
Điều chỉnh huyết áp: Việc kiểm soát huyết áp tích cực ngay trong giai đoạn sớm rất có lợi. Bởi huyết áp cao làm tăng tình trạng phù não, tăng nguy cơ lan rộng khối máu tụ và xuất huyết tái phát. Cần thực hiện hạ áp tích cực, duy trì mục tiêu HATT < 150 mmHg trong 12-24 giờ đầu sau xuất huyết não. Nếu HATT > 180 mmHg, dùng thuốc hạ áp truyền tĩnh mạch cho tới khi đạt HA mục tiêu.
Hạ sốt: Hạ sốt bằng biện pháp lau mát, dùng thuốc Paracetamol. Bên cạnh đó cần xác định và điều trị nguyên nhân gây sốt, cho dùng kháng sinh nếu có nhiễm trùng.
Điều chỉnh đường huyết: giữ đường huyết dưới mức 150 mg/dL, dùng insulin tiêm dưới da hoặc insulin truyền tĩnh mạch.
Vật lý trị liệu giúp bệnh nhân tránh bị biến chứng (nhiễm trùng, loét, huyết khối tĩnh mạch, cứng cơ, teo cơ…), cải thiện các khiếm khuyết thần kinh, thích nghi với các khiếm khuyết còn tồn tại và tái hòa nhập cộng đồng. Nên cho bệnh nhân tập sớm nhất có thể, khi các biểu hiện lâm sàng đạt mức cho phép.
Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh xuất huyết não tái phát, bệnh nhân cần được điều trị tăng huyết áp tích cực và liên tục lâu dài. Bên cạnh đó người bệnh cần điều chỉnh lối sống, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ dễ gây tái bệnh.
Can thiệp ngoại khoa bằng phẫu thuật không có chỉ định đại trà do chưa có bằng chứng chứng minh việc phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ giúp cải thiện hiệu quả điều trị sau cùng.
Phẫu thuật lấy khối máu tụ thường chỉ áp dụng cho những bệnh nhân dưới 75 tuổi. Phẫu thuật này có tác dụng ngăn chặn nguy cơ tử vong do hiệu ứng choáng chỗ ở người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh