Một số dấu hiệu nhận biết cơ thể đang bị stress

Nội dung

Những căng thẳng do công việc hay cuộc sống riêng tư diễn ra mỗi ngày có thể khiến bạn rơi vào tình trạng stress. Theo chuyên gia Stevan E. Hobfoll, chủ tịch Khoa Khoa học hành vi, TT Y tế ĐH Rush, khi có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, hãy tìm cách thư giãn ngay:

Nhức đầu ngày cuối tuần

Giảm stress đột ngột ngày cuối tuần có thể gây đau nửa đầu.

Hãy cố gắng theo nhịp sinh hoạt ăn và ngủ như ngày thườngđể giảm thiểu nguy cơ kích thích cơn đau đầu.

Đau hàm

Hàm đau có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiến răng, thường xuất hiện trong khi ngủ và có thể trở nên tồi tệ hơn do stress.

Đeo máng bảo vệ hàm ban đêm có thể là một giải pháp. Bởi 70% những người sử dụng dụng cụ này giảm hoặc ngừng nghiến răng hoàn toàn.

Giấc mơ kỳ quặc

Giấc mơ thường trở nên tích cực hơn khi bạn ngủ sâu, nhờ thế bạn cũng tỉnh dậy với tâm trạng tốt hơn trước khi ngủ.

Nhưng khi bị stress, bạn tỉnh giấc thường xuyên hơn, khiến những hình ảnh không vui vẻ xuất hiện nhiều hơn.

Thói quen ngủ tốt có thể phòng ngừa điều này. Hãy ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm và tránh sử dụng café, rượu trước khi ngủ.

Chảy máu lợi

Theo một phân tích dựa trên 14 nghiên cứu tại Brazil, những người bị stress có nguy cơ cao hơn bị bệnh nha chu.

Hàm lượng hoóc môn stress cortisol tăng cao, kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào lợi.

Giảm stress bằng cách tập luyện và ngủ đủ sẽ giúp bảo vệ răng miệng.

Mụn xuất hiện bất ngờ

Stress làm tăng tình trạng viêm khiến cho mụn xuất hiện.

Làm mịn da với loại mỹ phẩm có chứa axit salicylic lột da hoặc peroxide benzoyl loại bỏ vi khuẩn và bổ sung loại kem dưỡng ẩm không comedogenic.

Nếu da không đáp ứng với điều trị trong vài tuần, hãy đi khám bác sĩ để được kê thuốc hiệu quả hơn.

Ngứa ngáy

Một nghiên cứu của Nhật Bản trên hơn 2.000 người chỉ ra rằng những người bị ngứa da mạn tính dễ bị stress gấp 2 lần so với những người không bị tình trạng này.

Mặc dù, ngứa da có thể gây stress, các chuyên gia cho biết cảm giác lo âu hoặc căng thẳng cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng như viêm da, eczema và bệnh vảy nến.

Phản ứng stress kích hoạt các sợi thần kinh, gây ra cảm giác ngứa ngáy.

Dị ứng tồi tệ hơn

Trong một thử nghiệm năm 2008, các nhà nghiên cứu từ trường Y, ĐH bang Ohio Mỹ thấy rằng những người bị dị ứng có nhiều triệu chứng hơn sau khi họ làm một bài kiểm tra gây căng thẳng so với những người thực hiện một bài kiểm tra không khiến họ căng thẳng.

Hoóc môn stress có thể kích thích sản sinh IgE, một protein máu gây nên các phản ứng dị ứng.

Đau bụng

Lo âu và căng thẳng có thể gây đau bụng, kèm theo đau đầu, đau lưng và mất ngủ.

Một nghiên cứu trên 1.953 nam giới và phụ nữ phát hiện thấy rằng những người có mức độ stress cao nhất dễ bị đau bụng nhiều hơn gấp 3 lần so với những người thư giãn hơn.

Mối liên kết chính xác vẫn chưa được làm rõ nhưng giả thuyết cho rằng ruột và não cùng chung con đường thần kinh, khi tâm trí bạn phản ứng với stress, ruột cũng nhận được tín hiệu tương tự.

Vì mối liên quan này, học cách kiểm soát stress với sự giúp đỡ của nhà tâm lý học lâm sàng, thiền định hoặc thậm chí là tập luyện có thể giúp giảm các vấn đề dạ dày.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đau dạ dày, hãy đi khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose, hội chứng ruột kích thích hoặc loét dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top