1. Hiểu về rối loạn giấc ngủ
1.1 Rối loạn giấc ngủ là gì?
Đây là một loại rối loạn sức khỏe về giấc ngủ (thói quen đi ngủ), được phân thành: chứng khó ngủ hay còn gọi là loạn ngủ, mất ngủ, rối loạn nhịp giấc ngủ sinh học.
Một số rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay gồm:
– Chứng ngưng thở khi ngủ
– Ngủ rũ hoặc ngủ nhiều
– Tê liệt nhất thời khi ngủ
– Mộng du
– Nỗi sợ vào ban đêm
Phụ nữ bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn nam giới, thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên ngày nay do áp lực công việc, áp lực cuộc sống, lối sống không lành mạnh đã khiến ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị rối loạn giấc ngủ.
1.2 Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ được phân thành 2 loại chính: do bệnh lý và do nguyên nhân khác
– Do bệnh lý
Các bệnh lý thần kinh – não bộ hoặc rối loạn tâm thần dễ gây rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ như: rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, bệnh đau đầu hoặc đau nửa đầu migraine, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, tai biến mạch máu não, thiếu máu não…
Ngoài ra còn có rất nhiều các bệnh lý khác cũng có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ như: viêm khớp, loét dạ dày hành tá tràng, u tiền liệt tuyến, viêm phế quản, hen suyễn, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, …
– Do các yếu tố khác
Việc làm dụng thuốc và các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,… trong thời gian dài dễ dẫn tới tình rối loạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, những thói quen không tốt như: ít vận động; thức khuya; xem nhiều tivi, điện thoại, chơi game; ăn uống không điều độ nhất là vào buổi tối,… cũng dễ dẫn tới rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, môi trường bên ngoài không phù hợp như phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, bí, ánh sáng không phù hợp cũng có thể là tác nhân khiến bạn trằn trọc, khó ngủ, thậm chí mất ngủ (rối loạn giấc ngủ).
1.3 Tác hại của rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là “hung thủ” tàn phá sức khỏe của bạn “ghê gớm”. Thường chỉ mất ngủ trong khoảng 1-2 ngày, bạn đã cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải. Các hoạt động về thể chất, tinh thần, chức năng xã hội và cảm xúc cũng sẽ bị suy giảm. Người bị rối loạn giấc ngủ thường hay cáu gắt, khó chịu, dễ xúc động, kém tập trung, khả năng ghi nhớ bị hạn chế, dẫn tới chất lượng công việc không đạt được hiệu quả cao.
Nếu rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể dẫn tới nhiều bệnh lý như bệnh tâm thần, bệnh tiêu hóa, tai biến mạch máu não (đột quỵ), … Nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời và hiệu quả, người bị rối loạn giấc ngủ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
2. Bị rối loạn giấc ngủ nên làm gì để cải thiện chất lượng giấc ngủ?
2.1 Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh
Khi có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Vì đây là bệnh lý thần kinh – não bộ, bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sẽ thăm khám và tìm ra nguyên nhân giúp bạn.
Nếu nguyên nhân xuất phát do các bệnh lý thần kinh hay do các yếu tố ngoại cảnh, thói quen sinh hoạt, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Nếu nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ là do các bệnh lý khác như: viêm khớp, loét dạ dày hành tá tràng, u tiền liệt tuyến, viêm phế quản, hen suyễn, tiểu đường, bệnh tuyến giáp,…, các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh sẽ hội chẩn đa khoa với các bác sĩ thuộc từng chuyên khoa để tư vấn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bạn.
Khi thăm khám đúng chuyên khoa, ngoài vấn đề rối loạn giấc ngủ các bác sĩ nội thần kinh còn giúp bạn tầm soát, loại trừ các bệnh lý có liên qua ở thần kinh – não bộ. Từ đó có biện pháp điều chỉnh lối sống hoặc sớm có biện pháp can thiệp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2.2 Xây dựng lối sống khoa học
Bên cạnh việc thăm khám với bác sĩ đúng chuyên khoa để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để giúp tình trạng rối loạn giấc ngủ giảm dần, tìm lại giấc ngủ ngon mỗi ngày:
– Phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh
– Nhiệt độ phòng và ánh sáng phòng ngủ phải phù hợp
– Ăn tối vừa đủ (không để bụng đói khi đi ngủ, không nên ăn quá no trước khi đi ngủ)
– Không nên xem điện thoại, máy tính, tivi, chơi game trước giờ đi ngủ
– Thư giãn và giữ ấm cơ thể trước khi đi ngủ
– Không nên lạm dụng thuốc an thần
– Không nên sử dụng các chất kích thích khoảng 2h trước khi đi ngủ
– Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi
– Đi bộ hoặc tập thể dục hàng ngày
– Lên kế hoạch công việc phù hợp, tránh căng thẳng, stress, lo âu,…
Đến đây, chắc hẳn thắc mắc “bị rối loạn giấc ngủ nên làm gì?” của bạn đã phần nào được giải đáp. Tốt nhất là bạn cần kết hợp cả 2 yếu tố: thay đổi thói quen sống và đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và có sớm biện pháp điều trị hiệu quả, giúp bạn tìm lại giấc ngủ ngon vốn có mỗi ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh