Đó là kết quả của một nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Khoa học Thần kinh JAMAcủa Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi và phân tích các thông tin sức khỏe của khoảng 15.744 người có độ tuổi từ 45 - 64 trong suốt 25 năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 10% những người tham gia nghiên cứu đã được chẩn đoán là mắc chứng sa sút trí tuệ. Sau khi phân tích các yếu tố nguy cơ liên quan, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn so với những người khác. Trong đó, bệnh đái tháo đường gần như là một yếu tố chính “tiên đoán” trước một người bị sa sút trí tuệ, với sự hiện diện của gene APOE4.
Tiến sỹ Rebecca Gottesman – Tác giả của nghiên cứu nói rằng: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa sức khỏe tim mạch ở tuổi trung niên và nguy cơ dẫn tới chứng sa sút trí tuệ. Đây là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Chúng tôi hy vọng, việc sớm chỉ ra những yếu tố nguy cơ này có thể giúp mọi người giảm khả năng bị sa sút trí tuệ sau này”.
TS. Walter Koroshetz - Giám đốc Viện Nghiên cứu Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Với tỷ lệ dân số đang già đi, bệnh mất trí nhớ đang trở thành một mối quan tâm lớn của xã hội. Nghiên cứu này đã cho thấy tầm quan trọng của việc cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường và tăng huyết áp để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ khi chúng ta già đi.”
Phát hiện mới này cũng đã ủng hộ cho một loạt các nghiên cứu trước đây cho thấy, việc tập luyện có thể giúp ngăn chặn và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Hiện nay, có khoảng 47,5 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh sa sút trí tuệ và con số có thể tiếp tục tăng lên tới 115,4 triệu người vào năm 2050 do dân số già đi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh