NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC BỆNH TÂM THẦN

Nội dung

1. Nguyên nhân di truyền

Đây là nguyên nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong các bệnh tâm thần chủ yếu như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, nghiện rượu, ma túy. Các gen di truyền gây bệnh khi gặp yếu tố môi trường thuận lợi thì bệnh sẽ xuất hiện và phát triển.

– Tâm thần phân liệt: gen gây bệnh nằm ở các nhiễm sắc thể khác nhau. Nhờ các tiến bộ trong giải mã gen người, các tác giả Nhật Bản năm 2009 đã tìm ra các vị trí chính xác của gen gây bệnh. Đây là bệnh có cơ chế tổ hợp gen phức tạp. Gen di truyền trong tâm thần phân liệt bị rối loạn, dẫn đến sự sản xuất quá nhiều chất dẫn truyền thần kinh dopamin ở khe xi náp của vỏ não và các nhân xám dưới vỏ (tăng đến 300%). Từ đó dẫn đến tăng hoạt động quá mức hệ thống dopaminergic, tạo ra các hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi… của bệnh nhân.

– Trầm cảm: gien gây bệnh theo cơ chế đa gen. Các gen này chỉ huy việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não. Khi các gen này bị rối loạn, việc sản xuât serotonin bị đình trệ (có khi chỉ còn bằng 30% người bình thường), vì vậy gây ra các triệu chứng của trầm cảm như khí sắc giảm, mất hết các hứng thú và sở thích, mất ngủ, chán ăn, bi quan, chán nản, chú ý và trí nhớ kém…

– Nghiện rượu: cũng được coi là bệnh có gen di truyền. Chính các gien di truyền này khiến bệnh nhân đam mê rượu, uống rượu nhiều và lâu ngày dẫn đến nghiện rượu.

 

2. Các nguyên nhân thực tổn

2.1. Nhiễm khuẩn: các bệnh nhiễm khuẩn trong hộp sọ như viêm não, màng não có thể gây ra sảng, hoang tưởng, ảo thị giác.

Các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân có kèm theo nội độc tố (thương hàn) hoặc ngoại độc tố (uốn ván) cũng gây ra các ảo thị, hoang tưởng bị hại, trạng thái kích động…

2.2. Nhiễm độc: Rượu, ma túy tác động trực tiếp trên não qua việc thay đổi tính thấm của màng tế bào não (rượu) hoặc qua các điểm tiếp nhận cụ thể (thụ cảm thể morphin) và gây ra các rối loạn tâm thần đặc trưng như hội chứng cai rượu, ma túy.

Các kim loại nặng và một số chất độc như Co, benzen… gây ra trầm cảm cho những người bị nhiễm kéo dài, lâu ngày.

2.3. Chấn thương sọ não và các tổn thương khác ở não: Các nguyên nhân này có thể khiến cho bệnh nhân có thể bị trầm cảm, lo âu và động kinh, rối loạn nhân cách.

 

3.  Các chấn thương tâm lý

Trái với quan niệm của mọi người, chấn thương tâm lý chỉ đóng vai trò rất khiên tốn trong nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

– Các stress (thảm họa thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa phun, hoặc thảm họa nhân tạo như các trận đánh ác liệt, tử vong rất nhiều, nạn nhân của các vụ bắt cóc, bị tra tấn, bị hãm hiếp, tai nạn giao thông nghiêm trọng…) có thể gây ra phản ứng stress cấp hoặc hiếm hơn là rối loạn stress sau sang chấn.

– Mất bố, mẹ trước năm 11 tuổi được coi là nguyên nhân gây ra trầm cảm.

– Các bệnh rối loạn cảm xúc thường phối hợp với stress khi khởi phát. Nhưng các chấn thương tâm lý này chỉ đóng vai trò là yếu tố thuận lợi cho bệnh ở cơn khởi phát mà thôi. Nghĩa là không có chấn thương tâm lý thì bệnh vẫn cứ xảy ra và tái phát.

return to top