✴️ Nguyên nhân gây mất ngủ khó thở và cách phòng tránh

Nội dung

1. Tình trạng khó thở mất ngủ là gì? Có nguy hiểm không?

Mất ngủ là tình trạng thường gặp nhưng không hề dễ dàng điều trị nếu không tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Mất ngủ được chia thành 2 dạng chính đó là: Mất ngủ tiên phát (không rõ nguyên nhân và không kèm theo triệu chứng khác) và mất ngủ thứ phát (do các bệnh lý mạn tính, lo âu, căng thẳng,… gây nên).

Các trường hợp mất ngủ tiên phát thường không kèm theo cảm giác khó thở và không gây nguy hiểm. Đối với hiện tượng mất ngủ đi kèm khó thở thì rất có thể người bệnh đang gặp phải chứng mất ngủ thứ phát. Các trường hợp này được xem là khá nguy hiểm và phức tạp, bởi khi đó người bệnh có thể đang mắc phải một trong những bệnh lý về:

– Bệnh viêm đường hô hấp: viêm xoang, viêm phế quản, viêm họng, viêm tiểu phế quản…

– Bệnh về phổi: viêm phổi cấp, mạn tính, tắc nghẽn mạn tính…

– Bệnh về thần kinh: rối loạn tâm thần, trầm cảm…

– Bệnh tim mạch: điển hình là bệnh lý suy tim.

Có thể thấy, triệu chứng khó thở mất ngủ có khả năng là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan và cần tìm hướng khắc phục phù hợp để bệnh nhanh chóng được cải thiện.

Tình trạng khó thở mất ngủ có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm đang rình rập.

 

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ khó thở

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khó thở mất ngủ thường là do các bệnh lý mạn tính. Trong đó, các nguyên lý gây bệnh có thể xảy ra trong từng trường hợp cụ thể sau:

 

2.1 Bệnh viêm đường hô hấp

Đa phần các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp đều khiến người bệnh bị viêm đường hô hấp, gây khó khăn trong việc hít thở. Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của các loại vi khuẩn kết hợp với lượng dịch hô hấp lớn có thể làm đường thở bị bết dính. Tình trạng này kéo dài liên tục sẽ gây ra hiện tượng khó thở và mất ngủ cho người bệnh.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm đường hô hấp thường biểu hiện khá đơn giản. Tuy nhiên nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp và dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm như: viêm phế quản, viêm phổi cấp, viêm tiểu phế quản…

 

2.2 Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các trường hợp thường xuyên bị khó thở mất ngủ đều có nguy cơ cao mắc bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính. Khi đó, các khoang khí trong phổi sẽ gặp khó khăn trong quá trình lưu thông khiến cho người bệnh bị khó thở.

Cơn tắc nghẽn phổi có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, kể cả khi người bệnh thức hay đang ngủ say. Nó dễ khiến người bệnh bị khó thở, thở khò khè. Ngoài ra, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn được đánh giá là bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao. Vì vậy, người mắc bệnh luôn cần phải theo dõi và chuẩn bị thuốc sẵn bên mình.

 

2.3 Bệnh tâm thần hoảng loạn

Bệnh tâm thần hoảng loạn khiến người bệnh thường xuyên có tâm lý lo âu, suy nghĩ nhiều dẫn đến các cơn hoảng loạn. Từ đó gây ra cảm giác tim đập nhanh, đau đầu, khó thở, mê man. Đặc biệt, tình trạng này nếu để lâu dài có thể chuyển sang chứng rối loạn tâm thần hay bệnh trầm cảm rất khó chữa.

 

2.4 Bệnh ngưng thở khi ngủ

Tình trạng ngưng thở khi ngủ thường xảy ra khi một phần não bộ bị đánh thức và chỉ huy cơ thể. Hiện tượng này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, khiến người bệnh khó ngủ, ngủ không sâu và gây ra nhiều vấn đề làm suy giảm sức khỏe. Một số đối tượng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường tập trung ở người bị phì đại AV, béo phì…

Theo nghiên cứu, bệnh ngưng thở khi ngủ sẽ làm cản trở sự lưu thông lượng oxy vào trong phổi. Do đó, nếu bệnh lý này diễn ra thường xuyên sẽ khiến người khỏe mạnh cũng có nguy cơ gặp phải các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim… và hoàn toàn có thể bị đột tử bất cứ khi nào.

Bệnh ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng khó thở cho người bị rối loạn giấc ngủ.

 

3. Cần làm gì để phòng tránh khó thở mất ngủ?

Khó thở mất ngủ rất dễ xảy ra ở đối tượng người cao tuổi hay người có sức đề kháng yếu. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể phòng tránh tình trạng này hiệu quả nếu tuân thủ các nguyên tắc sau:

 

3.1 Luôn dành thời gian thư giãn để cân bằng sức khỏe và tinh thần

Trước khi ngủ, người bệnh nên nghĩ tới những điều vui vẻ, tích cực trong ngày hoặc duy trì thói quen đọc sách, nghe nhạc giúp thư giãn hiệu quả. Các suy nghĩ tiêu cực, lo lắng hay đơn giản là việc lướt internet vào buổi tối đều có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.

 

3.2 Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý khi bị mất ngủ khó thở

Thay vì sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ động vật, người bệnh nên chuyển sang chất béo thực vật như dầu đậu nành, dầu olive, dầu hướng dương… để hạn chế tăng lượng CO2 trong máu. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất có trong rau củ, trái cây tươi để cải thiện và nâng cao sức đề kháng chống lại chứng bệnh gây khó thở, mất ngủ.

 

3.3 Phòng tránh mất ngủ khó thở nhờ chế độ rèn luyện sức khỏe phù hợp

Việc duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày không chỉ làm giảm cảm giác đau đầu, khó thở trong khi ngủ mà còn đem lại những hiệu quả tích cực cho các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo các bài tập yoga hay ngồi thiền giúp thông kinh mạch, ổn định tâm thần, cải thiện các triệu chứng khó chịu và nâng cao chất lượng giấc ngủ hiệu quả.

Thực hiện các bài tập yoga giúp ổn định tâm thần, cải thiện triệu chứng khó thở và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Hầu hết các nguyên nhân gây khó thở dẫn đến tình trạng mất ngủ đều cảnh báo nguy hiểm. Do đó, khi thấy xuất hiện tình trạng mất ngủ khó thở, người bệnh cần tìm đến chuyên khoa Nội thần kinh của các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị sớm, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc về sau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top