✴️ Nguyên nhân và cách khắc phục chứng đau đỉnh đầu

Nội dung

1. Nguyên nhân gây đau đỉnh đầu

Chứng đau đỉnh đầu có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Đau đỉnh đầu có thể xuất hiện ở nhiều bệnh như đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu hay các dạng đau đầu vận mạch khác. Có thể do bệnh nội khoa gây ra như đau đầu căng cơ hoặc đau đầu do tật khúc xạ. Ngoài ra, bệnh viêm mũi, viêm xoang, u mạch, dị dạng mạch máu não, thiếu máu não, căng thẳng thần kinh quá độ cũng có thể gây đau đầu đỉnh đầu.

Một người có thể bị đau đỉnh đầu ở nửa đầu bên trái hoặc nửa đầu bên phải. Đau đỉnh đầu ở nửa đầu bên trái có thể do chấn thương vùng đỉnh đầu trái. Tương tự đối với đau ở đỉnh đầu bên phải. Một nguyên nhân khác cũng có thể gây đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải ở đỉnh đầu, đó chính là bệnh đau nửa đầu Migraine.

Đau đỉnh đầu có thể kèm theo những dấu hiệu khác như tầm nhìn kém, đau đầu kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi xổ mũi, mặt mày choáng váng. Đau đỉnh đầu cũng có thể là nguyên do phản ứng của cơ thể với những thay đổi thời tiết hoặc do bị stress, căng thẳng, áp lực trong chuyện học hành, công việc và gia đình. Đau đỉnh đầu cũng là dấu hiệu của một căn bệnh chưa bộc phát.

Nhiều người gặp phải tình trạng đau đỉnh đầu, đặc biệt là những người đang đi làm, công việc căng thẳng, gặp stress…

 

2. Cách khắc phục hiện tượng đau đỉnh đầu

Khi bị đau đỉnh đầu, mọi người nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau đó mới tìm đến phương pháp ngăn chặn tình trạng đau. Để xác định nguyên nhân, đặc biệt là các bệnh lý gây ra cơn đau, bạn cần đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để thăm khám.

Về cách ngăn chặn, hạn chế cơn đau, một trong những cách khắc phục tình trạng đau đỉnh đầu đơn giản nhất là nên thư giãn, ngừng các hoạt động, tránh áp lực công việc để cho đầu óc được thư thái.

Làm việc trong môi trường chật chội cũng khiến nhiều người dễ bị đau đầu. Nếu đang trong giờ làm việc mà nơi làm việc quá ồn ào, chật chội bạn có thể nghe bản nhạc nhẹ yêu thích, hoặc tạm đi ra ngoài hít thở bầu không khí trong lành… Chúng ta cũng có thể tự tìm cách mở rộng không gian nhằm giúp giảm đau đầu. Cách đơn giản là mở rộng cửa sổ nơi làm việc cho không khí lưu thông. Cách này có thể khiến người bị đau đầu cảm thấy thoải mái hơn, thêm không khí thoáng đãng cũng góp phần giúp cơn đau giảm bớt.

Bên cạnh đó, người đang bị đau đầu cũng có thể áp dụng phương pháp massage đúng cách cho vùng đầu, thậm chí chân tay. Bạn nên hỏi bác sĩ để biết cách massage đúng, nên thực hiện massage trong không gian thoáng mát, nhiều không khí, giảm cường độ ánh sáng. Trước và trong khi bắt đầu massage, bạn cần gạt bớt sang một bên những áp lực công việc. Sau đó, bạn nên thả lỏng cơ thể, điều chỉnh nhịp thở. Bước đầu tiên của việc massage là chăm sóc cho mắt bằng khăn mát (đắp lên mắt) khoảng 30 – 45 giây. Tiếp đó là massge vùng sọ não nhẹ nhàng, từ trên xuống dưới giúp cho cơ thể làm quen với việc massge. Sau đó massge lần lượt các vùng trán, thái dương. Ngoài ra khi bị đau đỉnh đầu, bạn có thể chườm lạnh, thư giãn trong bong tối, ngủ khoảng 15 phút để nạp năng lượng…

Tuy nhiên, cách ngăn chặn cơn đau đỉnh đầu tốt nhất, đặc biệt trong trường hợp bạn bị chứng đau đầu kéo dài vẫn là đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có biện pháp hỗ trợ chữa trị kịp thời. Bởi đau đỉnh đầu có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm.

 

3. Phòng ngừa đau đầu, đau đỉnh đầu

– Hạn chế hoặc tránh đến những nơi có tiếng ồn to, ánh sáng chói như xem phim chiếu rạp, nhìn ánh sáng chói lọi của mặt trời và các yếu tố kích thích giác quan vì các yếu này là tác nhân gây đau nửa đầu (đối với trường hợp đau nửa đầu).

– Giảm trạng thái căng thẳng tinh thần, thư giãn trước và sau những giờ làm việc mệt mỏi, kéo dài.

– Đối với nhân viên văn phòng cần thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý cần thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên.

– Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng: nên tập thể dục 20 – 30 phút mỗi ngày và tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga.

– Ngủ đủ giấc: Các nhà khoa học đã chứng minh ngủ  7-8 giờ mỗi ngày có thể tránh được tình trạng mệt mỏi, đau đầu, stress và giúp công việc trong ngày đạt hiệu quả tốt hơn.

– Hạn chế dùng rượu bia, các thức uống có chất kích thích như cafein,… vì việc dùng nhiều đồ uống này thường làm tăng chứng nhức đầu ở bệnh nhân. khi muốn bỏ các thức uống này, đặc biệt là thức uống có cafein cần giảm từ từ để tránh chứng nhức đầu xảy ra.

– Một số thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu do đó không được tự ý dùng thuốc chữa bệnh.

– Bổ sung đủ nước, thường 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc và cân bằng cơ thể, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, nhiệt độ cao và khô vì thiếu nước khiến cơ thể cảm thấy choáng váng, mệt mỏi và đau đầu.

– Bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin E như vừng đen giúp cân bằng estrogen và từ đó làm giảm các cơn đau đầu, nhất là phụ nữ vào thời kỳ kinh nguyệt.

– Đặc biệt, để biết được chính xác tình trạng sức khoẻ của mình, đừng quên tiến hành thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời phát hiện và chẩn đoán bệnh cho bạn, từ đó có phương pháp điều trị để mang lại hiệu quả nha nhất, han chế biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top