Cơ thể sẽ phản ứng lại với stress bằng cách tiết ra hormone và làm tăng nhịp tim, nhịp thở, làm não của bạn sẽ nhận được nhiều oxy hơn.
Stress có thể gây ra do các căng thẳng trong cuộc sống thường ngày. Ảnh hưởng tiêu cực từ việc bị mất người thân yêu hoặc sau khi ly hôn có thể làm bạn cảm thấy căng thẳng. Căng thẳng mãn tính có thể gây ra rất nhiều triệu chứng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
Hệ thần kinh trung ương chịu trách nhiệm trong các phản ứng “chống lại hay trốn chạy “ (fight or flight) của bạn. Hệ thần kinh trung ương điều khiển toàn bộ phần còn lại của cơ thể, ra lệnh cho các phần khác của cơ thể biết phải làm gì.
Khi các căng thẳng qua đi, hệ thần kinh trung ương sẽ ra lệnh cho toàn bộ hệ thống quay trở về hoạt động bình thường. Nhưng nếu hệ thần kinh trung ương không thể quay về hoạt động bình thường hoặc áp lực căng thẳng không mất đi, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể của bạn.
Triệu chứng của stress mãn tính bao gồm dễ bị kích động, lo âu và trầm cảm. Bạn có thể sẽ bị đau đầu hoặc mất ngủ. Stress mãn tính là một yếu tố nguy cơ trong một số rối loạn hành vi như ăn vô độ hoặc ăn không đủ, lạm dụng rượu và chất kích thích hoặc xa lánh xã hội.
Hormone stress có thể ảnh hưởng lên hệ hô hấp và hệ tim mạch. Trong khi phản ứng lại với stress, bạn sẽ thở nhanh hơn để cố gắng phân phối oxy và máu đến các phần chính của cơ thể. Nếu bạn đã có sẵn các bệnh về hô hấp như hen suyễn hoặc bệnh khí phế thũng, stress có thể làm bạn cảm thấy khó thở hơn.
Tim bạn cũng sẽ đập nhanh hơn. Hormone stress có thể làm các mạch máu co lại và làm tăng huyết áp của bạn. Tất cả những phản ứng này nhằm giúp ôxy lên tim và não dễ dàng hơn, do đó, bạn sẽ có thêm năng lượng và sức mạnh để đối phó với căng thẳng.
Thường xuyên stress hoặc stress mãn tính sẽ làm tim bạn phải hoạt động quá sức trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu và tim. Bạn cũng sẽ có nguy cơ bị đột quỵ và lên cơn đau tim cao hơn.
Hormone estrogen ở những phụ nữ tiền mãn kinh có một số tác dụng bảo vệ bạn khỏi một số bệnh tim mạch liên quan đến stress.
Dưới tác dụng của stress, gan sẽ tiết ra nhiều đường glucose hơn để cung cấp cho bạn thêm năng lượng. Lượng đường glucose chưa được sử dụng sau này sẽ được cơ thể tái hấp thu. Nếu bạn bị stress mãn tính, cơ thể bạn sẽ không thể xử lý được trước việc tăng đường huyết, do vậy, bạn có thể dễ bị bệnh tiểu đường typ 2.
Việc tăng nhịp tim và tăng nhịp thở khi bị stress có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn. Bạn sẽ dễ bị ợ nóng hoặc trào ngược axit hơn. Stress không gây loét dạ dày (loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori gây ra), nhưng stress có thể làm cho các vết loét có sẵn trở nên tệ hơn.
Bạn có thể sẽ bị buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng. Stress có thể ảnh hưởng việc tiêu hoá và hấp thụ thức ăn trong cơ thể, dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
Dưới ảnh hưởng của stress, các cơ sẽ có xu hướng căng lên để tự bảo vệ khỏi các chấn thương. Bạn sẽ nhận thấy cơ của mình căng lên khi bị stress và cơ sẽ trở về bình thường khi bạn thư giãn. Nếu bạn thường xuyên bị stress, cơ bắp của bạn sẽ không có cơ hội để thư giãn. Căng cơ có thể gây ra đau đầu, đau lưng, đau vai. Theo thời gian, bạn sẽ phải ngừng việc luyện tập thể thao thay vào đó bạn phải uống thuốc giảm đau. Đây là một thói quen không có lợi cho sức khỏe.
Stress làm cho cơ thể và tinh thần bị kiệt quệ. Khi bạn bị stress mãn tính, việc suy giảm ham muốn tình dục sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nam giới sẽ tiết ra nhiều hormone testosteron hơn trong khi bị stress, việc này có thể kích thích khả năng tình dục một cách ngắn hạn.
Với phụ nữ, stress có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể sẽ có chu kỳ bất thường hoặc bị mất kinh , cũng có thể bạn sẽ có chu kỳ nặng hơn và đau hơn bình thường. Các triệu chứng về mặt thể chất khi chu kỳ kinh nguyệt đến sẽ nặng hơn nếu bạn đang bị stress mãn tính.
Nếu stress kéo dài, lượng testosteron của nam giới sẽ giảm đi. Việc này sẽ cản trở sự sản xuất ra tinh trùng và gây rối loạn cương dương hoặc bất lực. Stress mãn tính có thể ảnh hưởng đến niệu quản, tuyến tiền liệt và tinh hoàn, làm cho các vùng này dễ bị nhiễm trùng hơn.
Stress sẽ kích thích hệ miễn dịch. Trong thời gian ngắn, việc này có lợi cho sức khỏe vì nó giúp bạn chữa lành các vết thương và chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, theo thời gian, hormone cortisol sẽ “thỏa hiệp” với hệ miễn dịch của bạn, làm ức chế quá trình sản xuất ra hormone histamine và ức chế phản ứng viêm với các tác nhân từ môi trường xâm nhập vào. Những người bị stress mãn tính thường dễ mắc các bệnh do virus như cúm, cảm lạnh hơn. Stress cũng làm tăng nguy cơ các bệnh nhiễm trùng cơ hội và sẽ làm tăng thời gian hồi phục sau khi ốm hoặc sau chấn thương của bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh