✴️ Những hiểu biết về chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Nội dung

1. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

– Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó chính là tuổi tác, bởi khi lớn tuổi, hệ miễn dịch và các chức năng hoạt động của não bộ ở người già cũng sẽ thay đổi. Đây chính là ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Và cũng chính là yếu tố khiến người già thường mắc nhiều bệnh lý hơn giới trẻ, trong đó có bệnh rối loạn giấc ngủ.

– Sự ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như rối loạn thần kinh, đau xương khớp, bệnh lý tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim,…), tiểu đêm, khó thở,…Những bệnh này sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu mỗi đêm khiến suy giảm chất lượng giấc ngủ.

– Tác dụng phụ từ một số loại thuốc như thuốc điều trị cao huyết áp, trầm cảm, hen suyễn,…có thể gây mất ngủ

– Do ngủ quá nhiều vào buổi trưa, chiều dẫn tới ban đêm khó ngủ

– Sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ: cafe, trà, thuốc lá, đồ uống có gas,..Hoặc do ăn quá nhiều trước khi đi ngủ gây nên cảm thấy đầy bụng, khó chịu dẫn tới trằn trọc mất ngủ.

Nằm mãi trằn trọc khó ngủ là biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

 

2. Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người cao tuổi

2.1. Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi dạng mất ngủ

Đây là tình trạng người lớn tuổi chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi đêm, hay có những trường hợp ngủ rất khuya do khó đi vào giấc ngủ. Nhưng cũng có một số trường hợp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ, tuy nhiên ngủ không lâu và thức giấc sớm và khó ngủ trở lại được.

Có thể nói, với mỗi người giấc ngủ là rất quan trọng, bởi khi đó các cơ quan cần được nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc căng thẳng. Đặc biệt đối với người già, các cơ quan thường hoạt động yếu hơn người trẻ tuổi, nên họ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Thế nhưng chứng rối loạn mất ngủ đã khiến các cơ quan khác đáng lẽ phải được nghỉ ngơi thì chúng lại phải hoạt động không ngừng nghỉ. Điều này dễ khiến chúng ta sẽ có cảm giác mệt mỏi, lờ đờ,…do không được nghỉ ngơi đầy đủ. Lâu dần sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh gây trầm cảm, cơ thể suy nhược,…

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược,…do ngủ không đủ giấc.

Nguyên nhân chủ yếu của dạng mất ngủ này là do môi trường sống thiếu sự yên tĩnh, hay do những thói quen sinh hoạt hằng ngày của người lớn tuổi. Ngoài ra, do tác động của một số yếu tố khác như: tình trạng đau, nhức cơ, xương, khớp khi về đêm, rối loạn nhịp tim,…Không những thế, mất ngủ còn do tác dụng phụ của một số loại thuốc làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra, nếu thường xuyên phải suy nghĩ, lo âu về vấn đề nào đó mãn tính trong thời gian dài cũng rất có thể gây mất ngủ, thậm chí người bệnh còn có thể gặp ác mộng.

2.2. Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi dạng đảo lộn giấc ngủ

Đảo lộn giấc ngủ là hiện tượng người bệnh ngủ nhiều vào ban ngày nhưng lại rất khó ngủ vào ban đêm, thậm chí là thức trắng đêm không ngủ được. Tình trạng này thường xuất hiện ở người cao tuổi bởi chức năng hoạt động tại não bị rối loạn do quá trình lão hóa hoặc có thể do sau tai biến hoặc một cơn bệnh nặng…

 

3. Điều trị rối loạn giấc ngủ 

Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, với mỗi người sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người cao tuổi không nên quá lạm dụng sử dụng thuốc tránh gây các tác dụng phụ và ảnh hưởng tới cơ thể. Vì vậy, người cao tuổi có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây để có giấc ngủ trọn vẹn hơn như:

– Tạo nên một lối sống tích cực bằng việc tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên để cơ thể được vận động và dễ chịu hơn.

– Luôn tạo cảm giác thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng cho đầu óc để không gây ức chế cho vỏ não.

– Điều trị dứt điểm các bệnh lý đi kèm.

– Sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ

– Để không ảnh hưởng tới chất lượng của giấc ngủ, người bệnh không nên ngủ trưa quá lâu, nên ngủ ở nơi yên tĩnh tránh ánh sáng. Đặc biệt nên lựa chọn giường và đệm mềm mại tạo cảm giác dễ chịu không đau nhức khi ngủ.

Thay vì sử dụng các loại thuốc, hãy khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ bằng việc có một chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý

– Hạn chế uống nhiều nước trước khi ngủ sẽ gây tình trạng thận đào thải nhiều khiến đi tiểu đêm nhiều. Và hạn chế ăn quá nhiều trước giờ ngủ, người bệnh cần ăn sớm cách giấc ngủ 3-4 tiếng để tránh gây cảm giác đầy bụng, no bụng khiến khó chịu.

– Có chế ăn uống phù hợp, nên sử dụng những loại thực phẩm hỗ trợ quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn vào buổi tối như: táo, sữa chua,… Ngoài ra còn một số loại thực phẩm tốt cho người mất ngủ như: hạt sen, trứng, chuối, yến mạch, hạt óc chó,..

– Trước khi ngủ có thể ngâm chân, massage… nhẹ nhàng để có thể điều hòa khí huyết cũng giúp người lớn tuổi dễ đi vào giấc ngủ hơn.

– Nói không với những đồ uống chứa cafein, các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, chè,… sau 14 giờ chiều. Bởi cafein sẽ ngăn chặn tác dụng của adenosin, đây là chất của não tiết ra để thúc đẩy giấc ngủ. Cần ngưng sử dụng thuốc lá, bởi nicotin trong thuốc cũng khiến người bệnh khó ngủ và khó ngủ yên giấc.

Duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học kết hợp với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ là phương án tối ưu nhất dành cho những người cao tuổi mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Hy vọng những lời khuyên và thông tin từ bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích để tham khảo và lựa chọn những biện pháp phù hợp để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top