Những hoạt động giúp bạn giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Đây là phát hiện của các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Australia), được đăng tải trên tạp chí JAMA Network Open. Dữ liệu được thu thập từ hơn 10.000 người Australia ngoài 70 tuổi, tham gia vào dự án ASPREE và một nghiên cứu nhỏ thuộc dự án này. ASPREE là một trong 3 thử nghiệm lớn về tác dụng của aspirin trong việc giảm các biến cố ở người cao tuổi.

Kết quả cho thấy, người thường xuyên tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi việc đọc - viết và rèn luyện trí tuệ sắc bén có nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn 9-11% so với người cùng tuổi. Các hoạt động có lợi có thể kể đến: Tham gia các lớp học, sử dụng máy tính, ghi chép nhật ký, chơi trò ô chữ, giải đố, chơi cờ vua.

Những hoạt động sáng tạo như làm thủ công, đan móc, vẽ tranh hoặc đọc sách thụ động cũng giúp phòng ngừa sa sút trí tuệ, dù không hiệu quả bằng. Người cao tuổi đều đặn thực hiện các hoạt động giải trí này có nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn 7% so với người cùng tuổi.

Trong khi đó, tần suất đi chơi (xem phim, ăn tại nhà hàng) hay số lượng mối quan hệ xã hội lại không có mối liên hệ tới việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Kết quả nghiên cứu cũng không tìm ra sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới.

Phát hiện này có thể giúp người cao tuổi, cũng như người có chuyên môn chăm sóc sức khỏe người già lên kế hoạch tiếp cận và phòng ngừa sa sút trí tuệ hiệu quả hơn.

Năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng 55 triệu người mắc sa sút trí tuệ. Mỗi năm có hơn 10 triệu ca mắc mới được ghi nhận. Đây là một trong những gánh nặng bệnh tật phổ biến hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu.

PGS. Joanne Ryan – Trường Y tế Cộng đồng và Phòng bệnh chủ động, tác giả chính của nghiên cứu nhận định, ưu tiên lớn với toàn thế giới hiện nay là tìm ra chiến lược ngăn ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ. "Từ kết quả nghiên cứu có thể thấy, chủ động vận dụng các kiến thức có sẵn trong não có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ so với các hoạt động giải trí thụ động. Điều đặc biệt quan trọng là ta cần giữ não bộ linh hoạt và liên tục thách thức trí não", bà chia sẻ.

PGS. Ryan cũng cho rằng, tuy không phải "thần dược" ngăn ngừa sa sút trí tuệ, thực hiện các hoạt động rèn luyện trí não đem lại nhiều lợi ích hơn cả trong việc bảo vệ sức khỏe nhận thức.

Bên cạnh đó, các kết nối xã hội lành mạnh cũng góp phần giữ sự an vui và chức năng nhận thức ở người cao tuổi, dù nghiên cứu này không cho thấy mối liên hệ rõ rệt. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top