Say xe ở trẻ nhỏ
Say xe ô tô là một dạng của chứng say tàu xe nói chung. Chứng say tàu xe xảy ra khi não bộ nhận được những thông tin trái ngược nhau từ phần tai trong, mắt và các dây thần kinh ở khớp và cơ.
Bạn hãy tưởng tượng một đứa trẻ ngồi thấp ở ghế sau của ô tô mà không thể nhìn ra cửa sổ - hoặc một đứa trẻ lớn hơn đang đọc sách trong ô tô. Khi đó, phần tai trong của trẻ sẽ cảm nhận được những chuyển động thay đổi theo di chuyển của xe, nhưng mắt và cơ thể của trẻ thì không. Kết quả có thể là trẻ sẽ cảm thấy đau bụng, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn mửa.
Không rõ tại sao tình trạng say xe lại chỉ ảnh hưởng đến một số trẻ nhất định, và thậm chí là ảnh hưởng ở mức nặng nề hơn so với một số trẻ khác. Đặc biệt, tình trạng này dường như không ảnh hưởng đến hầu hết trẻ ở độ tuổi sơ sinh và trẻ mới biết đi, nhưng giai đoạn từ 2 - 12 tuổi lại đặc biệt dễ mắc phải.
Làm thế nào để ngăn ngừa say xe ở trẻ nhỏ?
Để làm giảm và ngăn ngừa tình trạng say xe ở trẻ nhỏ, bạn có thể thử một số biện pháp sau:
- Giảm tập trung vào một cảm quan cố định. Thay vì tập trung đọc sách, xem video hay chơi trò chơi, bạn nên khuyến khích trẻ nhìn vào những thứ bên ngoài xe hơn. Đặc biệt, ngủ cũng rất hữu ích nếu trẻ gặp phải tình trạng say xe. Bạn có thể lựa chọn di chuyển trong thời gian ngủ trưa của trẻ.
- Lên kế hoạch cẩn thận cho các bữa ăn trước chuyến đi. Đừng cho trẻ ăn một bữa lớn ngay trước hoặc trong khi di chuyển bằng ô tô. Nếu chuyến đi dài hoặc trẻ cần ăn, hãy cho trẻ ăn một món ăn nhẹ, nhẹ nhàng chẳng hạn như bánh quy và uống nước từng chút một.
- Thông thoáng trong xe khi di chuyển. Việc thông gió đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa tình trạng say xe so với xe kín.
- Đưa ra những điều “phiền nhiễu”. Nếu trẻ dễ bị say xe, hãy thử đánh lạc hướng trong khi di chuyển bằng cách nói chuyện, nghe nhạc hoặc hát các bài hát để trẻ cảm thấy bận rộn liên tục. Điều này sẽ giúp trẻ tránh tập trung quá mức gây nên sự trái chiều của từ các cảm nhận của trẻ.
- Dùng thuốc. Nếu bạn đang chuẩn bị kế hoạch cho một chuyến dài đi bằng ô tô, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc kháng histamine hay các loại thuốc chống say xe chuyên biệt cho trẻ nhỏ để ngăn ngừa say xe. Các loại thuốc này đều phát huy tác dụng tốt nhất nếu uống khoảng một giờ trước khi đi. Bạn cũng nên đọc kỹ nhãn thuốc để xác định liều lượng chính xác và chuẩn bị cho các tác dụng phụ có thể xảy ra, chẳng hạn như buồn ngủ. Thuốc kháng histamine gây buồn ngủ dường như không có hiệu quả trong việc điều trị say tàu xe.
Trong trường hợp trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng say xe, hãy dừng xe càng sớm càng tốt và để trẻ ra ngoài môi trường đi lại cho thoáng, hoặc nằm ngửa trong vài phút và nhắm mắt. Đặt một miếng vải mát lên trán của trẻ cũng có thể hữu ích trong trường hợp này. Khi các biện pháp trên không phát huy tác dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có những lựa chọn khác phù hợp hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp