Những nguy cơ dẫn đến tự tử ở vị thành niên

Vị thành niên là đối tượng có nguy cơ tự tử cao. Không có vắc xin để phòng ngừa việc tự tử nhưng chúng ta biết những yếu tố nào dẫn đến việc một số trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương hơn các bạn khác.

Điều gì khiến những trẻ vị thành niên  dễ bị tổn thương muốn tự sát?

Rất nhiều trẻ trong độ tuổi thiếu niên tìm cách tự tử hoặc muốn tự tử vì các em mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các em gặp khó khăn trong việc đối mặt với các stress của lứa tuổi mình chẳng hạn như việc bị từ chối tình cảm hay các thất bại học hành, đổ vỡ các mối quan hệ, hay gặp bất ổn trong gia đình. Việc không tìm ra được những giải pháp để giải quyết các khó khăn trong cuộc sống khiến các em nhìn nhận việc tự tử như là một cách để giúp các em thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống của mình.

 

Các yếu tố nguy cơ của việc tự tử của trẻ vị thành niên

Một trẻ vị thành niên muốn tự tử vì những lý do sau:

  • Rối loạn tâm thần, trầm cảm
  • Mất người thân hoặc bạn thân; có mâu thuẫn với người thân hoặc bạn bè
  • Có tiền sử bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục hoặc bạo lực
  • Có vấn đề với rượu hoặc ma túy
  • Các vấn đề sức khỏe hoặc thể chất: có thai, mắc bệnh lây qua đường tình dục
  • Là nạn nhân của bạo lực học đường
  • Không biết rõ xu hướng giới tính
  • Từng chứng kiến các vụ tự tử trong gia đình hoặc bạn bè
  • Chuẩn bị được nhận làm con nuôi
  • Tiền sử gia đình  có người bị rối loạn cảm xúc hoặc có hành vi tự sát.

 

Vai trò của thuốc chống trầm cảm

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều an toàn nhưng FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) đều yêu cầu tất cả các thuốc chống trầm cảm phải có cảnh báo về sự nghiêm ngặt  khi kê đơn. Những cảnh báo dựa trên thực tế là đối tượng trẻ vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi có thể tăng ý nghĩ tự tự tử hoặc hành vi tự tử sau khi uống thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là trong những tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị hoặc khi thay đổi liều.

Nên nhớ rằng thuốc chống trầm cảm có tác dụng cải thiện tâm trạng trong một thời gian dài để giảm các nguy cơ tự tự.

 

Các dấu hiệu cảnh báo hành vi tự tử của trẻ vị thành niên

  • Nói hoặc viết về ý tưởng tự sát. Ví dụ như: “tôi sẽ giết bản thân mình” hoặc “ tôi sẽ không còn là rắc rối của ai đó nữa”
  • Rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội
  • Tâm trạng thay đổi
  • Gia tăng việc sử dụng rượu và ma túy
  • Cảm thấy bế tắc, mất hết hi vọng về một vấn đề
  • Thay đổi các thói quen hằng ngày bao gồm cả thói quen ăn ngủ
  • Làm những việc liều lĩnh hoặc tự hủy hoại bản thân
  • Vứt bỏ những thứ thuộc về mình mà không có lời giải thích hợp lý về hành động đó hoặc tại sao lại làm như thế
  • Thay đổi tính  cách hoặc trở lên lo lắng quá mức hoặc bị kích động khi trả qua một số dấu hiệu cảnh báo trên.

 

Bố mẹ nên làm gì khi nghi ngờ con mình có ý định tự sát?

Nếu một đứa trẻ đang ở trong tình trạng nguy hiểm hãy gọi điện cho trung tâm cấp cứu gần nhất.

Nếu nghi ngờ con bạn có ý nghĩ tự tử hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau. Đừng cố nói tránh về từ tự sát. Hãy lắng nghe kỹ về cảm xúc của con bạn và những nguyên nhân gây ra cảm xúc đó. Trấn an con bạn bằng tình yêu thương của bố mẹ và nhắc nhở chúng rằng bạn luôn đồng hành cùng chúng để giải quyết mọi vấn đề. Ngoài ra bạn cũng nên tìm kiến sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế. Các trẻ vị thành niên có ý định tự tử  luôn cần một bác sỹ tâm thần hoặc bác sỹ tâm lý có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Các bác sỹ luôn muốn có một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra xung quanh đứa trẻ chẳng hạn như bạn bè cùng trang lứa, bố mẹ, người giám hộ, bạn thân ở trường, học bạ và hồ sơ bệnh án  trước đó.

 

Bố mẹ cần phải làm gì để ngăn chặn ý định tự tử của con mình?

  • Đừng đợi đến lúc con bạn trầm cảm hoặc lo lắng: nếu thấy con bạn buồn, lo âu hoặc gặp trục trặc hãy chia sẻ với con và tìm cách giúp đỡ
  • Luôn quan tâm đến con nếu con bạn có ý định tự tử hoặc có dấu hiệu của tự sát, lắng nghe chúng nói hoặc xem cách phản ứng của chúng trước một vấn đề.
  • Không khuyến khích việc cô lập xã hội: hãy động viên con bạn dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè.
  • Khuyến khích lối sống lành mạnh: giúp con bạn ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý
  • Hỗ trợ các kế hoạch điều trị: động viên con bạn tuân thủ các điều trị và khuyến cáo của bác sỹ. Bạn cũng nên khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động xã hội giúp chúng tìm lại sự tự tin trong cuộc sống.
  • Giữ con bạn tránh xa khỏi những thứ có thể dùng để tự tử như vũ khí, rượu và thuốc ngủ.
  • Hãy nhớ rằng, vấn đề tự tự ở trẻ vị thành niên là có thể phòng ngừa được. Nếu bạn lo lắng về con bạn hãy nói chuyện một cách thẳng thắn và giúp chúng thoát khỏi tình trạng tiêu cực đó.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top