Những thông tin cần biết về chứng dễ lo lắng

“Chứng dễ-lo-lắng” không thực sự là một chứng bệnh chẩn đoán lâm sàng, nó chỉ là một cụm từ đang dần trở nên phổ biến trong vòng vài năm trở lại đây. Khi nói đến chứng dễ-lo-lắng, chúng ta thường nghĩ đến những người, ít nhất là bề ngoài, có vẻ thành công tại trường học, tại cơ quan hoặc tại gia đình tuy nhiên thực ra bên trong, họ đang gần như liên tục trải qua các sự lo lắng. Những người dễ-lo-lắng này thường đặt bản thân họ vào tình trạng phải hoàn thành mọi thứ như thể nếu không hoàn thành chúng, cuộc đời của họ sẽ chấm dứt ngay. Họ sợ những gì họ nghĩ đến sẽ xảy ra nếu họ không tiến lên phía trước và làm đúng mọi việc. Và bởi vì những người này thường có bề ngoài hoàn mỹ trong mọi việc cũng như có thành tích cao, không có ai nghĩ rằng đang có bất cứ vấn đề  sức khỏe hay tâm thần gì xảy ra với họ cả.

Dưới đây là một số dấu hiệu thầm lặng của người dễ-lo-lắng

Lo lắng quá nhiều

Cuộc sống mang lại cho chúng ta rất nhiều điều để lo lắng về nó, cho nên, việc lo lắng về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu bạn trải qua tình trạng này từ mười ngày trở lên mỗi tháng trong vòng 6 tháng hoặc hơn, bạn có thể đang mắc chứng rối loạn lo âu. Sự lo âu này có thể bao gồm mọi sự lo lắng từ sự nghiệp cho đến cuộc sống và tình yêu, từ liệu mình có tiết kiệm đủ tiền để sinh sống khi về hưu cho đến mình sẽ phải đối diện với gia đình và họ hàng như thế nào vào dịp nghỉ lễ. Và thông thường, số lượng và mức độ lo lắng của bạn có thể sẽ không tương đương với những sự kiện này. Nói cách khác, bạn đang lo lắng nhiều hơn cần thiết.

Bạn không thể kiểm soát được sự lo lắng của mình (nhưng không ai nhận ra điều này)

Ngay cả khi bạn nắm rõ tất cả những kỹ thuật như ba lần thở sâu giảm căng thẳng, viết ra một danh sách những điều làm bạn lo lắng, thư giãn trên thảm yoga hay thiền, bạn vẫn có thể lo lắng nhiều hơn bao giờ hết và bạn tiếp tục sống cùng với những nối lo lắng này hàng ngày. Lý do của việc này đến từ mặc dù bạn có thể ý thức được mình đang lo lắng, bạn có thể đang chăm sóc bản thân, những bạn không thể kiếm soát được sự lo lắng của mình. Những người trải qua tình trạng này dường như có suy nghĩ bị “đóng băng”, không thể đưa ra quyết định, không thể làm mọi việc một cách chính xác. Và cùng với đó, những người dễ-lo-lắng thường hiếm khi cho phép họ hỏi sự giúp đỡ từ người khác hoặc chấp nhận một sự thật là họ đã sai.

Chẳng có gì là đủ tốt đối với họ

Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường cảm thấy áp lực liên tục để đạt được những thứ ở mức tiêu chuẩn cao nhất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bao gồm nuôi dạy con cái, trường học, công việc, các mối quan hệ… Một người cầu toàn thường lo lắng về thất bại, sai lầm hoặc mất đi sự tôn trọng của người khác, nói chung là họ luôn có cảm giác là mọi thứ họ làm chưa đủ tốt và họ luôn bắt và thúc ép bản thân phải làm tốt mọi thứ nhưng dù kết quả có như thế nào họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng.

Sự lo lắng đang can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của bạn

Trong khi những người khác không thể nhìn thấy mức độ lo lắng của bạn đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của bị, vì họ luôn nhìn thấy bạn là một người cầu toàn và hoàn hảo, bạn có thể nhận thấy rằng cảm giác không an toàn và lo lắng luôn xuất hiện trong công việc, trong các mối quan hệ của bạn với người thân và bạn bè. Bạn có thể trở nên thiếu bình tĩnh và thiếu kiểm soát mặc dù bên ngoài vẫn thể hiện ra mình là một con người hoàn hảo như thường ngày. Và bạn hoàn toàn có thể nhận ra rằng cuộc sống bên trong của bạn như một bộ phim truyền hình gay cấn và căng thẳng diễn ra mỗi ngày khiến cho bạn luôn nghẹt thở và run sợ mỗi khi xem tập tiếp theo.

Bạn khó ngủ hoặc không thể ngủ được

Vấn đề về giấc ngủ là vấn đề phổ biến ở những người bị rối loạn lo âu và thường là khó ngủ, hoặc mất ngủ hoặc thậm chí là không thể ngủ. Bạn có thể dựa vào một hoặc hail y rượu vang hoặc các thảo mộc tự nhiên để dễ ngủ nhưng về cơ bản, bạn đang có vấn đề về giấc ngủ. Bên cạnh đó, bởi vì hệ thống thần kinh của bạn đang căng thẳng quá mức, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng phản ứng giật mình, nghĩa là bạn có thể dễ dàng giật mình hoặc thậm chí là giật thót tim chỉ vì những thứ rất phổ biến như tiếng còi xe cứu thương hoặc tiếng cửa đóng.

Bạn không thể tập trung

Các vấn đề về tập trung thường đi cùng với sự lo lắng. Bạn có thể thấy mình đang thiếu tập trung vào công việc, về những gì khác đang nói với bạn trong cuộc trò chuyện hoặc bạn phải đọc đi đọc lại một trang sách tới tận ba lần. Thay vì tập trung vào những gì bạn cần, bạn có thể thấy rằng mình đang lo lắng về những gì có thể xảy ra trong tương lai hoặc cảm thấy như tâm trí của bạn trống rỗng.

Bạn dễ cáu kỉnh và căng thẳng

Sống cùng với lo lắng có nghĩa là những người căng thẳng đang sống với một mức năng lượng thấp. Điều này khiến cho những thứ dù chỉ là rất nhỏ cũng có thể khiến cho bạn trở nên cáu kính và nổi nóng. Sự kiên nhẫn và nhẫn nhịn của bạn trở nên cực kỳ mỏng manh và dễ dàng bị xé rách bởi cơn cáu giận. Không chỉ là về tâm lý, nó còn dẫn đến căng và cơ thắt các cơ bắp.

Lời khuyên

Mọi người thường nghĩ rằng họ khỏe mạnh bởi vì họ nhận được lời khen ngợi và tán dương của người khác về sự lãnh đạo hoặc những thành tựu của họ để rồi bỏ qua những nguy cơ về vấn đề sức khỏe thể chất, vấn đề về giấc ngủ, các vấn đề về các mối quan hệ, tức giận, dễ cáu giận và trầm cảm. Việc nắm rõ những dấu hiệu thầm lặng của chứng dễ-lo-lắng sẽ giúp bạn kiểm soát và sớm điều trị tình trạng này vì như bạn đã biết, các vấn đề tâm lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Việc điều trị thường liên quan đến việc thay thế những suy nghĩ và hành vi không phù hợp bằng những gì có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn và giúp bạn có một ngày mới, một ngày làm việc tốt hơn với những mối quan hệ và cảm xúc tích cực hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top