1. Rối loạn tiền đình nguyên nhân do đâu?
Để xác định được rối loạn tiền đình có thể kéo dài trong bao lâu và cách điều trị hiệu quả, cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, gồm:
– Do thạch nhĩ lạc chỗ: Là 1 dạng rối loạn tiền đình ngoại biên, chiếm tỷ lệ mắc đến 60%.
– Do huyết áp thấp, tai biến, thiếu máu, các bệnh lý về tim mạch… Gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu kém đến não.
– Do căng thẳng thần kinh, mất ngủ, áp lực công việc gây tổn hại cho hệ thống thần kinh.
– Do hậu quả từ các bệnh như u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa…
– Do tuổi tác, người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn do sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể
– Bị mất máu quá nhiều, uống quá nhiều rượu bia, cơ thể bị nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc,…
– Do lối sống ít vận động hoặc ở tại môi trường quá nhiều tiếng ồn…
2. Các triệu chứng rối loạn tiền đình kéo dài bao lâu?
Rối loạn tiền đình biểu hiện với các triệu chứng điển hình là chóng mặt, hoa mắt. Nếu sau vài giờ hoặc vài ngày mà triệu chứng tự biến mất thì bệnh không gây ảnh hưởng gì quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe được tốt nhất, người bệnh nên chủ động thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và điều trị từ sớm.
2.1 Các triệu chứng rối loạn tiền đình kéo dài bao lâu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
Thông thường, rối loạn tiền đình nếu không bắt nguồn từ các bệnh lý tiềm ẩn thì sẽ có thời gian kéo dài không lâu, có trường hợp khỏi rất nhanh, các triệu chứng biến mất ngay trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cần nhiều thời gian hơn, có thể là vài ngày, vài tuần hoặc cả tháng mới hết.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình có thể tái đi tái lại nhiều lần, nếu chưa tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để thì rối loạn tiền đình sẽ dai dẳng bám theo người bệnh suốt phần đời còn lại.
2.2 Rối loạn tiền đình kéo dài bao lâu, có thể chữa khỏi không?
Có một số loại rối loạn tiền đình có thể điều trị khỏi dứt điểm như rối loạn tiền đình do thạch nhĩ lạc chỗ (sỏi tiền đình) nhưng cũng có một số rối loạn tiền đình do nguyên nhân bệnh lý não gây ra hoặc 1 số bệnh lý khác rất khó để điều trị dứt điểm.
Chính vì thế người bệnh cần phải thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay từ khi xuất hiện triệu chứng, để được chẩn đoán xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Đa phần việc điều trị sẽ làm giảm các cơn rối loạn tiền đình tái phát và giảm bớt triệu chứng khó chịu cho người bệnh khi cơn rối loạn tiền đình xuất hiện.
3. Ảnh hưởng của rối loạn tiền đình đến cuộc sống người bệnh
Rối loạn tiền đình hầu hết đều là từ những nguyên nhân lành tính, chỉ một số ít liên quan đến các bệnh về não. Ảnh hưởng của bệnh thường là chóng mặt, hoa mắt khi người bệnh sinh hoạt, vận động và thay đổi tư thế. Cảm giác trong người luôn mệt mỏi, uể oải, những tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc và giảm chất lượng cuộc sống.
Rối loạn tiền đình được các chuyên gia phân tích là quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn, có thể là do tổn thương dây thần kinh hoặc tổn thương não bộ do tai nạn, gây ra tình trạng mất thăng bằng, đầu óc quay cuồng, chóng mặt, ù tai… Các triệu chứng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống.
Rối loạn tiền đình được chia thành được chia thành 2 loại tùy thuộc vào tình trạng bệnh:
– Rối loạn tiền đình ngoại biên: Rối loạn liên quan đến hệ thống tiền đình ngoại biên. Bệnh thường là lành tính, chỉ gây chóng mặt và mất thăng bằng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
– Rối loạn tiền đình trung ương: Thường là do tổn thương nhân tiền đình ở trong não, tiểu não, triệu chứng không rõ ràng nhưng thường nguy hiểm và khó chữa hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên.
4. Phòng ngừa rối loạn tiền đình bằng cách nào?
Ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bị rối loạn tiền đình cũng nên lưu ý một số điều như sau:
– Sử dụng đúng thuốc theo đơn và đủ liều như bác sĩ đã kê
– Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình, nhất là các bài tập cho mắt, đầu, toàn thân giúp thư giãn, nhẹ nhàng.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu não, cải thiện trao đổi chất, tăng sức đề kháng.
– Bạn nên ngủ đủ giấc, không bỏ bữa và tránh thức khuya.
– Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như bông cải xanh, rau chân vịt, nước cam, măng tây, đậu bắp, cải bó xôi, súp lơ, cà chua, bí ngô, bưởi, óc chó, hạnh nhân và các loại ngũ cốc khác.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, cà phê hay nước tăng lực…
Những biện pháp phòng ngừa này chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên đi khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán, dự phòng các yếu tố nguy cơ, từ đó có các biện pháp ngăn ngừa một cách hiệu quả.
Trên đây là những thông tin giúp bạn trả lời câu hỏi: “Rối loạn tiền đình kéo dài bao lâu?”. Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, ngay khi phát hiện những triệu chứng ban đầu, người bệnh cần thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh từ sớm để có hướng điều trị phù hợp với bản thân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh