✴️ Rối loạn tiền đình: tất tần tật những điều bạn cần biết

1. Cơ chế hình thành rối loạn tiền đình

Não bộ của chúng ta có chứa rất nhiều các tế bào thần kinh, mỗi tế bào lại có khả năng tạo ra hàng ngàn liên kết. Bộ não của con người là một cấu trúc hết sức phức tạp, có nhiều chức năng khác nhau. Hệ thống tiền đình nằm ở phía sau ốc tai và được “quản lý” bởi dây thần kinh số 8 (dẫn truyền thông tin và điều khiển hệ thống tiền đình) đảm nhận vai trò: giữ thăng bằng cho cơ thể ở mọi tư thế (nghỉ ngơi, di chuyển, cúi, xoay người,….) và phối hợp cử động của mắt – đầu – thân mình.

Vì một lý do nào đó khiến dây thần kinh số 8 bị tổn thương, điều này khiến hệ thống tiền đình bị rối loạn do các tín hiệu nhận được bị sai lệch, gây mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn,…. Đây là các biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn tiền đình.

Cấu tạo hệ thống tiền đình và các cơ quan lân cận.

 

2. Biểu hiện rối loạn tiền đình chớ nhầm lẫn với thiếu máu não

Rối loạn tiền đình gồm hai dạng là: rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên. Cũng có 3 biểu hiện đặc trưng tương tự như bệnh lý thiếu máu não, đó là: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

 

2.1 Chóng mặt – biểu hiện nổi trội nhất của rối loạn tiền đình

Đây là biểu hiện quan trọng và nổi trội nhất để nhận biết người bệnh rối loạn tiền đình. Cơn chóng mặt thường xuất hiện thoáng qua, xảy ra trong một thời gian ngắn khi ta thay đổi tư thế (lắc đầu, nằm chuyển sang ngồi,…). Sau đó tình trạng chóng mặt xuất hiện nặng, dữ dội và kéo dài, khiến người bệnh không thể đi lại được, ngay cả khi người bệnh đã ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi thì cơn chóng mặt vẫn tiếp diễn, người bệnh có cảm giác mọi vật xung quanh như nhào lộn, quay cuồng, không thể mở mắt nổi.

Tình trạng hoa mắt, chóng mặt ở người bệnh thiếu máu não thường nhẹ hơn rối loạn tiền đình.

Chóng mặt là biểu hiện nổi trội nhất của hội chứng rối loạn tiền đình.

 

2.2 Đau đầu do rối loạn tiền đình

Cơn đau đầu thường âm ỉ, nhẹ, không quá dữ dội như bệnh lý thiếu máu não. Người bệnh rối loạn tiền đình có cảm giác nặng đầu, khó tập trung.

 

2.3 Ù tai do rối loạn tiền đình

Người bệnh bị suy giảm khả năng thính lực, ù tai, cảm giác nghe như có tiếng ve kêu hoặc sóng biển bên trong tai.

Ngoài các 3 biểu hiện chính trên, người bệnh rối loạn tiền đình có thể xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như: buồn nôn, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, chân tay run rẩy, suy yếu mệt mỏi, trầm cảm,…

 

3. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Có hai dạng rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên. Hiện nay, phổ biến (chiếm 90-95%) là rối loạn tiền đình ngoại biên. Mỗi loại có những nguyên nhân gây ra như sau:

– Rối loạn tiền đình ngoại biên: siêu vi (virus) gây viêm dây thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, viêm mê nhĩ, rò dịch, u dây thần kinh số 8, viêm tai giữa cấp, dị vật ống tai ngoài,….

– Rối loạn tiền đình trung ương: bệnh đau nửa đầu migraine (đau đầu vận mạch), nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, u não, chấn thương, xơ cứng rải rác, suy động mạch cột sống thân nền,….

Một số nguyên nhân gián tiếp gây rối loạn tiền đình có thể kể đến như: stress, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, môi trường sống không lành mạnh, thói quen sinh hoạt chưa tốt và thay đổi thời tiết.

 

4. Chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình

Người bệnh có biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, ù tai cần đi thăm khám chuyên khoa thần kinh để bác sĩ có chuyên môn kiểm tra, loại trừ một số bệnh lý, chỉ định cận lâm sàng: xét nghiệm cơ bản, siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống, chụp X quang cột sống cổ, chụp CT scan hoặc cộng hưởng từ để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, tìm ra nguyên nhân và từ đó xây dựng phương án điều trị phù hợp có hiệu quả cho người bệnh.

Hiện nay, điều trị rối loạn tiền đình vẫn chủ yếu là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý và phục hồi chức năng. Một số trường hợp nguyên nhân gây rối loạn tiền đình đặc biệt như u não, u dây thần kinh, dị vật,…. có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân trong trường hợp cần thiết.

 

5. Tác hại của rối loạn tiền đình khi không điều trị kịp thời

– Nguy cơ té ngã, chấn thương là điều đầu tiên mà người bị rối loạn tiền đình cần phải lưu ý, đặc biệt là khi người bệnh đang tham gia lái xe, làm việc ở các vị trí nguy hiểm,…

– Tiếp theo là các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: trầm cảm, nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não),…

– Không chỉ gặp vấn đề về sức khỏe, rối loạn tiền đình còn gây rất nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt và học tập/công việc của người bệnh.

Chính vì vậy, bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để hạn chế và ngăn ngừa tối đa các biến chứng mà rối loạn tiền đình gây ra.

 

6. Phòng ngừa rối loạn tiền đình

Bạn có thể dự phòng rối loạn tiền đình bằng cách sau:

– Ăn uống đủ chất, nên ăn nhiều chất xơ như rau củ, hạn chế thịt và các thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.

– Nên tăng cường ăn cá thay thịt (tuần 3 lần).

– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn

– Uống đủ nước

– Tránh stress, căng thẳng, lo âu

– Hạn chế tối đa các chất kích thích như: bia, rượu, cafe, thuốc lá,…

– Không nên quay cổ hay thay đổi tư thế đột ngột

– Khi có dấu hiệu cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa sớm, điều trị sớm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top