Bệnh Alzheimer ở người cao tuổi là căn bệnh không còn xa lạ, có triệu chứng điển hình là suy giảm trí nhớ ngắn hạn. Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở những người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên và chiếm khoảng 60 – 80% trong tổng số bệnh nhân sa sút trí tuệ. Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong thứ 6 tại Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia thần kinh học, Alzheimer là bệnh lý điều trị giảm triệu chứng, chính vì vậy người bệnh càng được điều trị sớm càng tốt. Trên thực tế có một số sai lầm thường mắc phải khi điều trị bệnh Alzheimer cho người cao tuổi, cùng tham khảo để biết và từ bỏ các sai lầm này.
1. Những sai lầm khi điều trị bệnh Alzheimer cho những người cao tuổi
1.1 Chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh Alzheimer ở người cao tuổi
Khi điều trị cho người cao tuổi bị Alzheimer, không ít các trường hợp người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng họ không nhận biết được ông bà, bố mẹ của mình mắc bệnh. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng chứng hay quên đó là điều thường gặp ở tuổi già do sự lão hóa dần theo thời gian, không cần khám và điều trị. Chính sự chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh Alzheimer là một sai lầm tai hại, khiến sức khỏe người cao tuổi càng ngày càng giảm sút và bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
1.2 Tự chẩn đoán bệnh Alzheimer ở người cao tuổi và mua thuốc về điều trị tại nhà
Rất nhiều trường hợp người bệnh biết tình trạng bệnh của mình, nhưng lại không đi thăm khám mà tự điều trị ở nhà, bằng các loại thuốc bổ não, bổ sung vitamin. Điều này vừa tốn kém, không mang lại hiệu quả, vừa trì hoãn thời gian chữa bệnh khiến bệnh tình càng tiến triển nặng hơn.
Một thói quen xấu của người Việt là tự bắt bệnh hoặc nếu không thì thấy người khác cũng có bệnh như mình và sau đó tự ra mua đúng đơn thuốc đó về “tự chữa bệnh”. Việc làm này không những có tác dụng chữa bệnh mà còn gây nguy hiểm, bởi mỗi người bệnh là một cá thể riêng biệt không ai giống ai, nhất là khi người bệnh có bệnh nền hoặc các yếu tố cá biệt đông máu, dị ứng,…
1.3 Không tái khám theo chỉ định của bác sĩ
Có một số trường hợp người bệnh vì nhà xa, bác sĩ cho đơn thuốc uống và hẹn đến khám lại sau 1 hoặc vài tháng nhưng người bệnh do không nhận thức đầy đủ nên đã mua luôn lượng thuốc uống cho cả năm. Đây cũng là một trong những điều không nên, vì qua mỗi lần khám bệnh bác sĩ sẽ tùy theo diễn biến của bệnh và sự đáp ứng với thuốc mà điều chỉnh đơn thuốc sao cho phù hợp. Việc tự mua thuốc uống lâu dài mà không khám lại, người bệnh tự mình đánh mất đi cơ hội điều trị, gây lãng phí và có khi tiềm ẩn thêm các rủi ro cho sức khỏe bởi các tác dụng phụ của thuốc (nếu có) khi sử dụng lâu dài.
2. Bệnh Alzheimer gây những tác hại gì cho người cao tuổi?
Phiến toái đầu tiên mà bệnh Alzheimer gây ra là sự suy giảm về trí nhớ, biểu hiện đầu tiên là hay quên: quên tên người rất quen biết hoặc các sự kiện mới, hay lẫn lộn, đây là các biểu hiện sớm của rối loạn nhận thức.
Tiếp theo là sự rối loạn cảm xúc: cảm xúc không ổn định, hay bực tức, xua đuổi hoặc xa lánh mọi người.
Bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người bệnh như: hay vấp ngã dẫn tới chấn thương vùng đầu, gãy chân tay và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ngoài ra, người cao tuổi bị Alzheimer thường có biểu hiện loạn cảm xúc, hành vi, loạn thần, gây áp lực lớn cho gia đình, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
3. Bệnh Alzheimer ở người cao tuổi cần đi khám khi nào?
Alzheimer là bệnh lý điều trị giảm triệu chứng, vì vậy người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia thần kinh học khuyến cáo nếu người lớn tuổi có biểu hiện bệnh Alzheimer như sau nên đi khám ngay:
– Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày
– Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề
– Khó khăn khi hoàn thành các nhiệm vụ
– Nhầm lẫn về thời gian và không gian
– Khó nhận biết hình ảnh trực quan và mối quan hệ không gian
– Hãy quên vị trí các đồ vật đã để và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm đồ vật
– Sống khép mình, thay đổi cảm xúc và nhân cách
4. Phòng ngừa bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo bão hòa. Nên ăn các sản phẩm giàu chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ tốt cho não bộ.
– Tập thể dục hàng ngày: Giúp tăng lưu lượng máu và oxy lên não, giúp não khỏe mạnh và thể lực vững vàng làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh Alzheimer.
– Thăm khám định kỳ: Thường xuyên đi khám nội thần kinh ít nhất 1 – 2 lần/năm là cách tốt nhất để chăm sóc hệ thần kinh khỏe mạnh và phòng tránh bệnh này.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức về bệnh Alzheimer để tránh được những sai lầm trong điều trị bệnh Alzheimer ở người cao tuổi. Hãy nhớ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh ngay nếu bạn hoặc những người thân có biểu hiện của bệnh để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh