Sai lầm nên tránh khi xử trí đột quỵ não

Nội dung

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Hậu quả là não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu tổn thương nghiêm trọng.

Sự sống của người bệnh đột quỵ được tính từng phút, từng giây. “Thời gian là não, cứ 1 phút trôi qua, có 1,9 triệu neuron mất đi ở vùng nhồi máu não. Bệnh nhân ngay lập tức phải được đưa tới bệnh viện có khả năng điều trị gần nhất”.

Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mới mắc tai biến mạch máu não, trong đó có tới 50% tử vong. Những người sống sót sau tai biến cũng có tới 92% mắc di chứng về vận động, 27% gặp di chứng nặng.

Các dấu hiệu FAST giúp phát hiện sớm đột quỵ:

  • F(Face): Méo miệng, yêu cầu người bệnh cười hở miệng, xem một bên mặt có bị xệ xuống hoặc đơ cứng.

  • A(Arm): Yếu liệt tay chân cùng bên, yêu cầu người bệnh đưa cả hai tay lên, quan sát có tay nào bất động hoặc yếu hơn.

  • S(Speech): Yêu cầu người bệnh lặp lại những cụm từ đơn giản, nếu người bệnh có ngôn ngữ bất thường, không lặp lại được, không nghe hiểu thì cần đề phòng đột quỵ.

  • T(Time): Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng gọi 115 để được đánh giá, hướng dẫn xử trí. Đột quỵ thể nhồi máu não cần cấp cứu tối khẩn cấp trong 4,5 giờ.

Trước khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện, khuyến cáo người nhà không để bệnh nhân té ngã; Nên đặt nằm nghiêng để phòng ngừa nôn, hít sặc vào phổi.

Khi vận chuyển bệnh nhân, cần đưa đi ở tư thế nằm và đảm bảo an toàn, tránh va chạm phần cơ thể bị yếu, nên tốt nhất gọi xe cứu thương hoặc đi bằng ô tô. Các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trường hợp chở người bệnh bằng xe máy, gây bỏng bô xe máy chân bệnh nhân, gây thêm gánh nặng cho quá trình điều trị.

Khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện, người nhà cần nhớ thời gian khởi phát triệu chứng đột quỵ; Ghi nhớ cân nặng, tiền sử bệnh, thuốc điều trị đang sử dụng và phối hợp với bác sĩ nếu có chỉ định can thiệp.

Bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không cạo gió, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay hay tự ý cho bệnh nhân dùng thuốc

Câu hỏi các bác sĩ thường gặp từ người nhà là có cần thiết làm gì để tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân. Tốt hơn hết, người nhà không nên chờ bệnh nhân khỏe lại; Không cạo gió hay chích máu đầu ngón tay; Không cho bệnh nhân ăn uống hay tự ý dùng bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc hạ huyết áp. Thực hiện những việc làm này có thể khiến bệnh nặng hơn, chậm trễ thời gian đến bệnh viện, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

Đột quỵ nguy hiểm nhưng có thể dự phòng từ sớm nhờ chủ động tầm soát các yếu tố nguy cơ như: Béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp… Kiêng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, thường xuyên tập thể dục kết hợp chế độ ăn lành mạnh góp phần giảm nguy cơ đột quỵ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top