Stress có thể làm giảm hơn 2 lần tuổi thọ của con người

Viện y tế quốc gia và phúc lợi xã hội Phần Lan vừa công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của một số yếu tố đến tuổi thọ của con người. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu của 38.549 người trong độ tuổi từ 25 đến 74. Họ sử dụng cả những dữ liệu về các bệnh mãn tính, thói quen xấu, trạng thái tâm lý và chế độ ăn uống của những người được điều tra.

Kết quả, các yếu tố chính gây giảm tuổi thọ của con người là hút thuốc (khiến giảm 6,6 năm tuổi thọ ở nam và 5,5 tuổi ở nữ), bệnh tiểu đường (khiến giảm 6,5 năm tuổi thọ ở nam và 5,3 năm tuổi thọ ở nữ). Yếu tố xếp ở vị trí thứ ba là có ảnh hưởng đến tuổi thọ là căng thẳng (stress). Khi bị stress mạn tính, tuổi thọ giảm 2,8 năm đối với nam và 2,3 năm đối với nữ.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học còn nhận thấy một yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý đến tuổi thọ. Đó là việc suy nghĩ của một người về tình trạng stress của mình. Cụ thể, nếu một người tin rằng họ ta đang trải qua stress giống như tất cả những người xung quanh thì điều này không ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên, nếu người này nếu tin rằng mình chịu stress nhiều hơn người khác thì sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực. 

Liên quan tới ảnh hưởng của stress tới sức khỏe con người, ông Lorenzo Cohen, chuyên gia nghiên cứu về ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas (Mỹ) cho rằng, có thể chia stress thành 2 loại: ngắn hạn và mãn tính. Stress ngắn hạn xảy ra ở những trường hợp như khi một người cảm thấy hồi hộp, lo lắng trước khi phát biểu, bon chen trong đám đông khi đi mua sắm... Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ nhanh hết và người đó vẫn có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình.

Căng thẳng mãn tính có hại hơn, kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng mà không có điểm kết thúc rõ ràng. Đó có thể là việc chăm sóc cho một người thân bị bệnh, đối phó với tình trạng thất nghiệp, trục trặc về chuyện tình cảm...

Giáo sư Anil K Sood, người có nhiều năm nghiên cứu về ung thư tại MD Anderson của Đại học Texas giải thích, căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, trầm cảm, ung thư...

Các nội tiết tố do stress tạo ra làm bất hoạt quá trình anoikis (quá trình tiêu diệt và ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư). Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng mạn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng làm tăng nguồn cấp máu, làm tăng tốc độ phát triển của khối u ác tính.

Theo các chuyên gia, mỗi người có thể học cách quản lý căng thẳng, giúp ngăn chặn tình trạng stress kéo dài, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả

Nói chuyện với chuyên gia: Một bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học có thể dạy cho bạn những cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng.

Thiền hoặc yoga: Những hoạt động này giúp tâm trí thoát khỏi căng thẳng, cải thiện tâm trạng, chất lượng cuộc sống mỗi người. Bạn cố gắng thực hiện 20 phút mỗi ngày trong không gian yên tĩnh, đầu óc không bận tâm đến điều gì...

Ngủ đủ giấc: Ngủ 8 tiếng mỗi đêm là một cách phòng thủ để chống lại căng thẳng, giấc ngủ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, tâm trạng, trí nhớ, khả năng tập trung. Bạn nên có giờ đi ngủ cố định, tập thể dục thường xuyên đều có thể giúp ngủ ngon hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top