Động kinh có thể xuất hiện hoặc tăng nặng bởi các bệnh tật hay chấn thương, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp đều không có nguyên nhân rõ ràng. Do động kinh là chứng rối loạn thần kinh trung ương nên bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn cơ thể.
Bộ não là trung tâm chỉ huy cho tất cả các cử động có ý thức lẫn không có ý thức của con người. Các xung điện được dẫn truyền bởi các tế bào thần kinh sẽ giúp não bộ thông báo cho cơ thể biết phải làm gì. Khi các tín hiệu bất thường làm gián đoạn chức năng bình thường của não bộ, cơn co giật sẽ xuất hiện.
Động kinh được chia làm một số dạng khác nhau.
Động kinh cục bộ
Động kinh cục bộ xảy ra khi có quá nhiều hoạt động phóng điện bất thường xảy ra khu trú ở một phần của não. Một số người sẽ xuất hiện cơn aura (cơn động kinh với các dấu hiệu thoáng báo) hoặc cảm giác hưng phấn trước khi xảy ra cơn co giật. Các triệu chứng tiền co giật bao gồm thay đổi thị giác, thính giác và thay đổi nhận cảm mùi vị.
Trong cơn động kinh cục bộ đơn giản, các triệu chứng phụ thuộc vị trí bị rối loạn tại não. Cơn co giật có thể đi kèm theo nôn mửa hoặc vã mồ hôi. Cơn động kinh cục bộ phức tạp xảy ra ở thùy thái dương gây ảnh hưởng đến trí nhớ và cảm xúc. Loại động kinh này thường gây ra tình trạng mất tỉnh táo hoặc không còn khả năng nhận thức những chuyện xảy ra xung quanh. Người bệnh trong cơn động kinh thường gào thét, khóc, cười không kiểm soát. Người bệnh cũng sẽ cảm thấy buồn ngủ sau cơn động kinh cục bộ phức tạp.
Cơn động kinh toàn thể
Động kinh liên quan đến tất cả bộ não được gọi là cơn động kinh toàn thể, thường gây mất ý thức. Cơn động kinh vắng ý thức (absence seizures) hoặc động kinh cơn bé (petit mal seizures) ngắn hơn, thường kéo dài dưới 30 giây. Người bệnh sẽ bị mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn, thường bị mơ màng hay lơ đãng và không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Trong cơn động kinh vắng ý thức, mí mắt cũng có thể rung lên hoặc môi cử động. Trong cơn động kinh mất trương lực, trương lực cơ bị mất đột ngột trong thời gian ngắn khiến người bệnh dễ bị ngã.
Trong cơn động kinh cơn co cứng - co giật (tonic-clonic seizures), người bệnh đột ngột mất ý thức, tiếp theo là co thắt cơ toàn thân (giai đoạn co cứng) và thứ hai là những giai đoạn xếp chồng lên nhau của sự giãn cơ làm cho cơ thể giật theo nhịp. Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, đau đầu dữ dội và đau toàn thân. Đôi khi có rối loạn ngôn ngữ và thị giác. Những người bị động kinh cơn co cứng - co giật thường có nguy cơ cao bị đột tử trong khi co giật. Cơn động kinh giật rung cơ (myoclonic seizures) gây ra những cử động co giật cơ đột ngột, người bệnh bị co giật theo từng khu vực, một nhóm cơ bắp nhiều lần trong ngày hoặc trong nhiều ngày liên tiếp.
Trạng thái động kinh (status epilepticus) là thuật ngữ dùng để miêu tả tình trạng co giật kéo dài – thường từ 5 – 30 phút. Điều đó có nghĩa là người bệnh sẽ bị co giật liên tục mà không hề có giai đoạn tỉnh táo trong cơn động kinh. Trạng thái động kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị tổn thương não vĩnh viễn.
Theo Hiệp hội động kinh Michigan, khoảng 30% những người bị động kinh sẽ tiến triển thành chứng bệnh trầm cảm. Tình trạng động kinh co giật còn khiến người bệnh dễ bị ngã và chấn thương hơn.
Động kinh có thể gây loạn nhịp tim và nhịp thở. Các triệu chứng bao gồm thở gấp và ho. Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể bị hóc. Về lâu dài, động kinh còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Một số trường hợp đột tử không rõ nguyên nhân trong cơn động kinh được cho là do các vấn đề tim mạch và hô hấp.
Cơn động kinh khiến các cơ bắp co giật một cách không kiểm soát. Trong một số trường hợp, người bệnh bị mất trương lực cơ đột ngột và dễ bị ngã. Khi cơ xung quanh thanh quản co thắt, nó đẩy không khí ra ngoài làm tiếng kêu phát ra nghe như tiếng thét hoặc tiếng khóc.
Tình trạng động kinh cũng như một số thuốc điều trị bệnh có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, buồn nôn và nôn. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị táo bón hay tiêu chảy. Đối với trẻ em, động kinh co giật thường gây đau bụng. Trong cơn co giật hoặc ngay sau cơn co giật, người bệnh có thể bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.
Mặc dù động kinh không có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh sản, tuy nhiên nó có thể có tác động đối với việc mang thai. Theo Trung tâm y tế đại học Rochester, khoảng 25-40% những phụ nữ bị mắc chứng động kinh có thể bị co giật nhiều hơn trong thai kỳ.
Hầu hết những phụ nữ bị động kinh đều có thể mang thai bình thường và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, họ cũng có nguy cơ cao hơn gặp phải những vấn đề như tăng huyết áp, sinh con nhẹ cân hay thai lưu. Do vậy, những phụ nữ mang thai mắc bệnh động kinh cần phải được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh