Sự nguy hiểm khi phụ nữ bị thiếu vitamin D

Đa xơ cứng là bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi các tế bào miễn dịch tấn công, gây suy giảm chức năng các tế bào thuộc hệ thống thần kinh trung ương. Nguyên nhân gây bệnh đa xơ cứng hiện vẫn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học biết rằng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Trong nghiên cứu mới nhất với số lượng lớn người tham gia là phụ nữ, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một yếu tố điển hình làm tăng nguy cơ đa xơ cứng: Đó chính là nồng độ vitamin D trong cơ thể thấp.

TS. Kassandra Munger, đến từ Harvard T.H. Chan School of Public Health ở Boston, Hoa Kỳ và các đồng nghiệp đã kiểm tra chỉ số xét nghiệm máu của hơn 800.000 phụ nữ Phần Lan. Trong số tất cả những người tham gia nghiên cứu, có 1.092 phụ nữ đã phát triển đa xơ cứng 9 năm sau khi họ được xét nghiệm máu.

Các tác giả đã so sánh những phụ nữ này với 2.123 người tham gia nghiên cứu đối chứng theo tuổi nhưng không được chẩn đoán có bệnh.

Nhóm nghiên cứu xác định một người được coi là thiếu vitamin D chỉ số dưới 30 nm/l. Mức vitamin D được coi là không đủ nếu dao động từ 30 - 49 nm/l và mức vitamin D được coi bình thường nếu bằng hoặc cao hơn 50 nm/l.

Kết quả cho thấy, những phụ nữ bị thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng cao hơn 43% so với những phụ nữ có mức vitamin D bình thường. Những phụ nữ bị thiếu vitamin D cũng có nguy cơ phát triển đa xơ cứng cao hơn 27% so với phụ nữ có mức vitamin D không đủ.

Theo các tác giả, cần nghiên cứu thêm về liều lượng tối ưu của vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, họ chắc chắn việc duy trì nồng độ vitamin D bình thường không chỉ phòng ngừa được nguy cơ đa xơ cứng mà còn giúp phụ nữ khỏe mạnh hơn.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Neurology.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top