✴️ Suy giảm trí nhớ mất tập trung: Nguyên nhân và cách cải thiện

Suy giảm trí nhớ mất tập trung thường được coi là bệnh người già. Nhưng thực tế, bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng và gây những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh. Vậy, giảm trí nhớ kém tập trung là gì, làm sao để cải thiện? Cùng tìm hiểu ngay sau đây. 

 

1. Suy giảm trí nhớ là gì ?

Trí nhớ được hình thành qua quá trình ghi nhớ của con người. Quá trình đó bao gồm: tiếp nhận thông tin – xử lý, mã hóa thông tin – đưa và lưu thông tin lên vỏ não – tái hiện lại thông tin ấy. 

Suy giảm trí nhớ là khả năng ghi nhớ của bộ não bị giảm sút theo thời gian. Nguyên nhân là do sự thoái hóa hoặc tổn thương của não bộ. Đó là hiện tượng bộ não bị suy giảm chức năng hoặc quá trình vận chuyển những thông tin và ghi nhớ ở vỏ não bị ngưng trệ. 

Ban đầu, người bệnh có thể quên những việc mới xảy ra. Nhưng nếu để bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất cân bằng trong cuộc sống do sa sút trí tuệ lâu dài. Trong đó thường gặp nhất là Alzheimer.

Suy giảm trí nhớ kém tập trung là hiện tượng người bệnh giảm khả năng ghi nhớ do sự thoái hóa hoặc tổn thương của bộ não

 

2. Các biểu hiện của suy giảm trí nhớ thiếu tập trung 

– Nói trước quên sau, thường lặp lại nhiều lần các câu hỏi hoặc câu chuyện 

– Hay quên vị trí để đồ đạc, các sự kiện đã xảy ra

– Khó ghi nhớ những thông tin, kiến thức mới

– Lơ đãng, thiếu tập trung khi làm việc, học tập 

– Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, giải các câu đố, tính toán

– Nhầm lẫn về các mốc thời gian

– Mất phương hướng

– Giảm khả năng phán đoán và ra quyết định

– Mệt mỏi, căng thẳng, tâm trạng thất thường

– Khó kiểm soát được hành vi

 

3. Các nguyên nhân gây giảm trí nhớ kém tập trung 

3.1. Suy giảm trí nhớ do tuổi tác

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm trí nhớ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và liên kết với nhau bởi 1000 tỷ khớp thần kinh. Nhưng sau tuổi 25, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị chết đi mà không có sự sinh sản thêm.

Sự thoái hóa của bộ não khiến cho tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của con người dần suy yếu. 

3.2. Suy giảm trí nhớ do bệnh tật

Các bệnh lý về não như viêm não,  đột quỵ, thiếu máu não…là những nguyên nhân hàng đầu khiến não bộ bị suy giảm chức năng, dẫn tới nguy cơ suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung. Người lớn tuổi có nguy cơ cao các bệnh lý khiến chức năng của não bị suy giảm. 

Một số người bị chấn thương sọ não hoặc những tổn thương khác sau tai nạn cũng dễ bị mất trí nhớ tạm thời. 

Ngoài ra, những người mắc các bệnh gan, thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính…cũng có thể có triệu chứng bệnh hay quên do thiếu oxy lên não.

3.3. Suy giảm trí nhớ mất tập trung do căng thẳng kéo dài

Những căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống làm tăng sinh mạnh mẽ các gốc tự do, gây hư hỏng các tế bào thần kinh. Kéo theo đó là hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm…Điều này khiến giảm tập trung chú ý và ảnh hưởng không tốt đến trí nhớ.

Căng thẳng khiến người bệnh giảm tốc độ phản ứng với sự vật, sự việc, khó tập trung suy nghĩ. Bệnh nhân dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới suy giảm chức năng của não bộ và trí nhớ giảm sút.

Căng thẳng, thiếu ngủ cũng có thể gây suy giảm trí nhớ, kém tập trung

3.4. Suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung do thiếu ngủ

Ngủ là lúc cơ thể và tâm trí của bạn được nghỉ ngơi. Đây là thời gian cho các tế bào và mô được phục hồi. Đồng thời, sóng não được tạo ra khi bạn ngủ là vô cùng quan trọng trong việc lưu trữ và ghi nhớ của bộ não. 

Khi bạn không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ), những ký ức của bạn đến được vỏ não trước trán, gây mất trí nhớ ngắn hạn. 

Thông thường, người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7-8 giờ/ngày để ngủ nhằm đảm bảo khả năng ghi nhớ và ngăn chặn sự suy giảm nhận thức.

3.5. Suy giảm trí nhớ do chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Vitamin B1 (thiamin) là chất có vai trò quan trong việc duy trì sản xuất các dẫn truyền thần kinh. Chúng có tác động lớn đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người. Nếu không nhận được đủ lượng thiamin, bạn có thể mắc Wernicke-Korsakoff, một hội chứng rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

Ăn quá nhiều đường và dầu mỡ cũng khiến não bộ dễ bị thoái hóa, làm giảm khả năng ghi nhớ.

Các chất gây nghiện, chất kích thích có thể ảnh hưởng đến vùng hippocampus và một phần của não đảm nhận chức năng nhận thức. Do vậy, nếu lạm dụng các chất này có thể khiến trí nhớ sẽ kém dần đi.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng rượu thường xuyên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ thần kinh. Bởi khi rượu được hấp thụ vào cơ thể sẽ ngăn chặn khí oxy lưu thông lên não. Điều này gây ra tác động tiêu cực trên toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương.

3.6. Thay đổi nội tiết tố gây suy giảm trí nhớ mất tập trung

Sự thay đổi nội tiết tố có tác động mạnh mẽ lên não bộ. Sự thay đổi estrogen dẫn đến rối loạn hoạt động của các tế bào thần kinh ở não. Trong đó có các trung khu ghi nhớ, xử lý thông tin. Ở phụ nữ mang thai, nồng độ estrogen sẽ tăng cao trong 6 tháng đầu, giảm dần trong 3 tháng cuối và tiếp tục giảm trong 3 tháng sau sinh. Do vậy, phụ nữ sau sinh có thể gặp phải tình trạng suy giảm trí nhớ. 

 

4. Giảm trí nhớ, kém tập trung gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?

Tình trạng suy giảm trí nhớ có thể gây những hệ lụy rất lớn đối đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Suy giảm trí nhớ khiến người bệnh không thể tập trung vào công việc hay bài giảng. Khả năng tư duy và suy nghĩ về các vấn đề cũng sa sút theo những suy giảm về trí nhớ. Người bệnh phản ứng một cách chậm chạp, hờ hững. Nhiều người không còn khả năng đáp ứng được các yêu cầu công việc, các bài học.

Chứng hay quên khiến người bệnh chịu những tổn thất về kinh tế và nhiều bất tiện trong cuộc sống. Họ thường quên mang tiền, không nhớ tắt điện, đóng cửa khi đi ra ngoài, quên ăn uống, không chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân… Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh thay đổi tâm trạng và hành vi và cảm xúc. Họ hay cáu gắt vô lý, gây ảnh hưởng ít nhiều đến các mối quan hệ xung quanh.

Đặc biệt, nếu tình trạng này không được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời thì có thể sẽ chuyển sang giai đoạn sa sút trí tuệ trong vòng 3 năm. Khi đó, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng và không còn khả năng phục hồi. Các vấn đề xảy ra với não: tổn thương mạch máu não, chết tế bào não, teo não, tổn thương chất trắng… Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

5. Cải thiện chứng suy giảm trí nhớ, kém tập trung

Suy giảm trí nhớ ở giai đoạn còn sớm có thể chữa được hoặc cải thiện được. Khi thấy có biểu hiện quên, người bệnh nên đi khám ngay. Việc này giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ của bệnh và điều trị đúng hướng. 

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên thực hiện các biện pháp cải thiện trí nhớ sau:

Tập luyện trí não: Thường xuyên chơi các trò chơi giải đố

Tập thể dục: Tập thể dục có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe não bộ. Nhiều nghiên cứu cho thấy thiền giúp cải thiện chức năng não, giảm các dấu hiệu thoái hóa não và cải thiện cả trí nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn.

Ngủ đủ giấc: giúp bộ não được nghỉ ngơi đúng mức, ngăn tình trạng suy giảm trí nhớ.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Giảm lượng đường trong khẩu phần, hạn chế calo

Ăn sô-cô-la đen: flavonoid từ ca cao giúp tăng cường chức năng não. 

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về chứng suy giảm trí nhớ mất tập trung và những hệ lụy của căn bệnh này đối với sức khỏe, công việc và cuộc sống. Hãy chủ động phòng tránh giảm trí nhớ kém tập trung bằng lối sống khoa học tích cực và đi khám thường xuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top