✴️ Thiếu máu não mất ngủ nguy hiểm khó lường

Nội dung

1. Thiếu máu não mất ngủ gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Thiếu máu não hay còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não. Đây là tình trạng lưu lượng máu lưu thông lên não bị giảm sút do một số nguyên nhân. Sự thiếu hụt máu, oxy và các chất dinh dưỡng, khiến các tế bào thần kinh ở não bộ hoạt động kém, xảy ra rối loạn và thậm chí có thể “chết” – tổn thương không thể hồi phục.

Thiếu máu não là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ (tai biến mạch máu não), suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn giấc ngủ, thậm chí thiếu máu não nặng có thể dẫn đến tử vong.

Mất ngủ là một trong ba dạng điển hình nhất của hội chứng rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ngủ nhiều). Mất ngủ ban đầu thường là cấp tính (thời gian mất ngủ < 1 tháng), nhưng nếu không có biện pháp xử trí hiệu quả có thể dẫn đến mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài hay mất ngủ kinh niên).

Mất ngủ khiến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi dễ dẫn đến suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần, trầm cảm, …

Thiếu máu não, mất ngủ khiến người bệnh dễ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm nêu trên. Ngoài ra, còn kéo theo hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm khác như: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn nội tiết, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa,… Người bệnh cần phải được thăm khám và xử trí kịp thời.

Xơ vữa động mạch vành là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng thiếu máu lên não.

 

2. Thiếu máu não mất ngủ: “đôi bạn đồng hành”

2.1 Thiếu máu não dẫn đến mất ngủ

Thiếu máu não, mất ngủ có tác động qua lại lẫn nhau. Nếu người bệnh không được xử trí cả 2 vấn đề này, tình trạng bệnh lý sẽ ngày càng trầm trọng, dai dẳng, khó điều trị và nguy cơ biến chứng cao hơn.

Thiếu máu não khiến các tế bào thần kinh làm việc kém hiệu quả (chậm chạp, không nhạy bén, thậm chí phát ra các tín hiệu sai lệch) gây ức chế hệ thống thần kinh của não bộ, khiến lượng hormone melatonin tiết ra ít đi, dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ. Melatonin là hormone quan trọng có vai trò điều chỉnh giấc ngủ. Nồng độ melatonin cao giúp chúng ta dễ ngủ hơn, ngược lại nêu nồng độ melatonin bị giảm sẽ gây rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc).

Không chỉ làm giảm lượng “hormone bóng đêm” – melatonin, mà thiếu máu não còn khiến người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, ảnh hưởng đến nhiều bệnh lý thuộc các cơ quan khác (nếu có) như bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch,… trở nên trầm trọng hơn, khiến người bệnh khó chịu và dễ dẫn đến mất ngủ.

Thiếu máu não khiến bạn mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, làm giảm tiết hormone melatonin (hormone gây buồn ngủ) dễ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.

2.2 Mất ngủ khiến tình trạng thiếu máu não trầm trọng hơn

Ngược lại, mất ngủ cũng khiến tình trạng thiếu máu não ở người bệnh trở nên trầm trọng hơn. Khi bị mất ngủ, người bệnh thường dễ sinh ra tâm lý chán nản, cáu gắt, nổi nóng, mệt mỏi, chán ăn, không muốn vận động,… làm phát sinh hoặc khiến các bệnh lý như huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, thiếu máu, … diễn biến nặng hơn, khiến quá trình cung cấp máu lên não bộ bị suy giảm và dẫn đến thiếu máu lên não.

Chính vì vậy, người bệnh cần điều trị cả 2 vấn đề: thiếu máu não và mất ngủ. Cần xem xét yếu tố khởi phát (nguyên nhân) là do thiếu máu não hay mất ngủ hay do nguyên nhân nào khác để điều trị dứt điểm nguyên nhân. Nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, bạn sẽ rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu máu não – mất ngủ và ngược lại.

Thiếu máu não lâu ngày sẽ gây ra tình trạng mất ngủ mạn tính và mất ngủ kéo dài cũng dễ dẫn đến thiếu máu não.

 

3. Thiếu máu não mất ngủ xử trí hiệu quả bằng cách nào?

Nhiều người cho rằng, việc sử dụng một số thuốc làm tăng tuần hoàn máu lên não sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não, từ đó giúp cải thiện giấc ngủ được ngon lành hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên tự ý thực hiện điều này. Bởi điều trị cần phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý hiện tại và tình hình sức khỏe thực tế của bệnh nhân. Nếu người bệnh đang mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm,… việc tự ý sử dụng thuốc tăng tuần hoàn máu lên não, có thể gây những tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bệnh nhân.

Trong trường hợp người mắc các bệnh lý trên, nếu có hiện tượng thiếu máu não, mất ngủ, nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về việc sử dụng thuốc để cải thiện mà không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não, mất ngủ người bệnh cần đi khám để được kiểm tra. Bác sĩ chuyên môn sau khi khám ban đầu, sẽ chỉ định sử dụng hệ thống trạng thiết bị y tế hiện đại, giúp xác định chính xác nguyên nhân, chẩn đoán đúng tình trạng bệnh lý hiện tại và qua đó sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Tuyệt đối, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà khi chưa thăm khám với bác sĩ, để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top