Thông tin về cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (tiếng Anh viết là ‘transient ischemic attack’ và viết tắt là ‘TIA’) xảy ra khi dòng máu tới một phần của não bị chặn lại hoặc bị giảm, gây ra bởi cục máu đông, để lại các triệu chứng thần kinh khu trú (ví dụ như liệt nửa người). Sau một thời gian ngắn, dòng máu được tái thông tự nhiên và các triệu chứng thần kinh khu trú cũng biến mất. Tuy nhiên, với đột quỵ (tiếng Anh gọi là ‘stroke’), dòng máu bị tắc nghẽn, não bị tổn thương vĩnh viễn. Một số nhà khoa học gọi cơn thiếu máu não thoáng qua là đột quỵ nhỏ (mini-stroke) bởi vì triệu chứng giống với đột quỵ nhưng không kéo dài.

Cơn thiếu máu não thoáng qua là một cảnh báo, nghĩa là người bệnh có khả năng bị đột quỵ trong tương lai. Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người thân bị cơn thiếu máu não thoáng qua thì cần phải gọi xe cấp cứu ngay vì điều trị sớm có thể giúp dự phòng đột quỵ. Nếu bạn nghĩ bạn hoặc người thân bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng các triệu chứng đã biến mất thì bạn vẫn cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

 

Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua tương tự như triệu chứng của đột quỵ. Nhưng triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua không kéo dài. Hầu như các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng từ 10 đến 20 phút. Các triệu chứng bao gồm:

- Đột ngột đau đầu, tê bì, yếu hoặc mất vận động mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là chỉ bị một bên cơ thể (hay còn gọi là rối loạn cảm giác và vận động nửa người)

- Đột ngột rối loạn thị lực

- Đột ngột nói khó

- Đột ngột lú lẫn hoặc rối loạn nhận thức

- Đột ngột rối loạn thăng bằng

 

Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Cục máu đông là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua. Cục máu đông có thể là kết quả của xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim… Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn dòng máu tới một phần não bộ. Tế bào não bị ảnh hưởng chỉ trong vòng vài giây sau khi dòng máu bị tắc nghẽn gây ra các triệu chứng ở các phần của cơ thể được kiểm soát bởi các tế bào não này. Sau khi cục máu tan, các triệu chứng sẽ biến mất.

Đôi khi, cơn thiếu máu não thoáng qua là do tụt huyết áp mạnh làm giảm lưu lượng máu lên não. Hiện tượng này gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua “dòng thấp” ("low-flow" TIA). Cơn thiếu máu não thoáng qua “dòng thấp” không phổ biến như các loại khác.

Hầu hết các trường hợp vào viện vì cơn thiếu máu não thoáng qua đều được coi là những cấp cứu y khoa - không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đều là như vậy - và bệnh nhân cần được chỉ định chụp phim cắt lớp sọ não cấp cứu. Một điều chắc chắn rằng mà bất cứ người bác sĩ nào cũng hiểu kết quả chụp phim cắt lớp vi tính sọ não, thậm chí là phim cộng hưởng từ sọ não, ở những bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ hoàn toàn bình thường cho dù bệnh nhân đang có triệu chứng hoặc triệu chứng đã biến mất. Nhưng không vì thế mà bác sĩ chủ quan không cho bệnh nhân được hưởng BHYT cấp cứu và chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính sọ não cấp cứu.

Cách đây vài năm, trong một thời gian khá dài, các bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn đối với nhân viên BHYT, họ đã không chấp nhận, không quyết toán, thậm chí xuất toán các trường hợp có biểu hiện bệnh giống đột quỵ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ vì khi người bệnh tới cấp cứu thì các triệu chứng đã biến mất, kết quả phim chụp cắt lớp vi tính cũng hoàn toàn bình thường. Đã có một số bác sĩ phải bỏ tiền túi ra đền bù số tiền mà BHYT đã xuất toán, đã có những bác sĩ đã gặp khó, thậm chí bị mắng, bị chửi bởi người nhà bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua không được hưởng BHYT cấp cứu, đã có những bệnh nhân bị đột quỵ thực sự chỉ vài ngày sau khi bị cơn thiếu máu não thoáng qua và lúc này nhân viên BHYT mới vội vàng sửa sai là làm BHYT cấp cứu cho họ.

Kể từ đó, sau nhiều cuộc thương thảo giữa khoa, bệnh viện và bên BHYT, thì người bệnh bị cơn thiếu máu não thoáng qua khi tới bệnh viện cấp cứu mà các triệu chứng đã biến mất và phim chụp cắt lớp vi tính sọ não cho kết quả bình thường… mới được hưởng BHYT cấp cứu. Đây là bài học lớn cho họ, những người làm BHYT - phải nghe ý kiến chuyên gia chứ đừng áp đặt bất cứ chẩn đoán hoặc điều trị nào cho người bác sĩ.

Ở đâu đó vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ BHYT không đúng mục đích, nhưng đây là do lỗi quản lý chứ đừng đổ mọi thứ lên đầu nhân viên y tế. Mục đích cuối cùng của người bác sĩ cũng chỉ vì tốt cho người bệnh mà thôi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top