✴️ Triệu chứng bệnh Parkinson: Hiểu rõ để nhận diện sớm

Nội dung

Triệu chứng bệnh Parkinson thường mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng, các triệu chứng như run, cứng cơ, giảm vận động… mới biểu hiện rõ ràng. Cùng tìm hiểu các triệu chứng cụ thể của bệnh để nhận biết và phát hiện bệnh kịp thời 

 

1. Tại sao cần nắm được các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Parkinson là bệnh mạn tính liên quan đến rối loạn vận động. Bệnh không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh mà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng dần, khiến bệnh nhân gặp phải các biến chứng sau:

– Suy mòn, suy kiệt cơ thể, mất năng lượng

– Thiếu vitamin D, loãng xương, thậm chí tàn phế do ít vận động

– Té ngã do mất thăng bằng, dễ gãy cổ xương đùi

– Bội nhiễm phổi, viêm phổi nhất là ở bệnh nhân giai đoạn nặng

Hiện nay, chưa có phương pháp đặc hiệu nào để chẩn đoán và khẳng định bệnh Parkinson. Đa phần các bác sĩ chỉ kết luận dựa trên các dấu hiệu bệnh nhân gặp phải qua một thời gian dài. Vì vậy, việc ghi nhớ và nhận biết các triệu chứng của bệnh Parkinson là vô cùng cần thiết để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những bất tiện trong cuộc sống cũng như phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra. 

Bệnh Parkinson nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy cần hiểu rõ các triệu chứng để nhận diện sớm.

2. Các triệu chứng bệnh Parkinson thường gặp

2.1 Các triệu chứng bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm

Ở giai đoạn sớm các triệu chứng của bệnh Parkinson thường chưa biểu hiện rõ ràng. Một số dấu hiệu có thể gặp là: 

– Mệt mỏi

– Đau cơ

– Chậm chạp, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản  như đi tất, đi giày, tra chìa khóa…

– Rối loạn chữ viết, chữ viết nhỏ dần

– Táo bón

– Trầm cảm

– Người bệnh phải kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động

– Bong vảy da ở mặt, gối

– Đôi khi có xuất hiện tình trạng run khi nghỉ nhưng kín đáo, không liên tục

2.2 Các triệu chứng bệnh Parkinson ở giai đoạn muộn

Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng của bệnh nhân Parkinson thường biểu hiện rõ, bao gồm:

– Run khi nghỉ

Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson. Triệu chứng này có thể thấy rõ ở ngọn chi, môi, lưỡi, thường khu trú ở một bên cơ thể trong nhiều năm đầu. 

Tình trạng run có thể tạm mất đi khi vận động hoặc khi bệnh nhân ngủ, nhưng sau đó lại tái diễn. Mức độ run thường tăng khi xúc động. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cá biệt bệnh nhân hoàn toàn không run.

– Cứng cơ

Tình trạng co cứng cơ ở bệnh nhân Parkinson thường xảy ra ở cổ, vai, lưng. Khi sờ nắn các cơ sẽ thấy chắc, cứng. Các nhóm cơ ở chân tay cứng lại, kém linh hoạt khiến người bệnh đi lại khó khăn. Đây cũng là một trong các triệu chứng quan trọng để nhận biết bệnh Parkinson. 

– Giảm vận động

Giảm vận động thường là hậu quả của tình trạng co cứng, biểu hiện bằng các triệu chứng: dáng đi bất thường; thực hiện các cử động, di chuyển, thay đổi tư thế như quay đầu, quay người, cài khuy, buộc dây giày… một cách chậm chạp; gặp khó khăn trong việc đứng lên – ngồi xuống; nét mặt không tự nhiên, nhất là khi cử động.  

– Các triệu chứng khác

Ngoài những triệu chứng điển hình kể trên, người mắc bệnh Parkinson còn có thể gặp phải các tình trạng sau:

+ Loạn cảm đau

+ Đứng ngồi không yên

+ Cảm thấy nóng bức, tăng tiết

+ Phù, tím tái chi

+ Rối loạn cương dương

+ Hạ huyết áp tư thế

+ Trầm cảm lo âu, chiếm khoảng 35 đến 40% trường hợp bệnh nhân

+ Ảo thị

+ Hoang tưởng

+ Đau vai kéo dài, không thuyên giảm kể cả khi dùng thuốc hoặc các can thiệp y tế khác

+ Rối loạn giấc ngủ

+ Liệt cơ mặt, ngất xỉu

+ Mất thăng cân bằng

Run tay khi nghỉ là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh.

 

3. Cần làm gì khi có các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Bệnh Parkinson chủ yếu xảy ra ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp bệnh xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. 

Khi thấy các biểu hiện bất thường dù đặc trưng hay không, người bệnh cũng cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Đặc biệt, khi có các yếu tố nguy cơ như tuổi tác (tuổi cao), di truyền (gia đình có người mắc bệnh), giới tính (năm), môi trường (ô nhiễm, độc hại)… thì bạn cần cảnh giác và chủ động thăm khám sớm để được tư vấn cách phòng tránh bệnh hiệu quả.

 

4. Một số lời khuyên cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson

Các chuyên gia khuyên những người bệnh Parkinson nên đi lại thường xuyên, đi chậm, bước dài chân để cải thiện vận động. Các bài tập thở sâu, hoạt động tắm nắng… cũng rất tốt cho người mắc bệnh này. 

Ngoài ra, nên tăng cường dinh dưỡng, sử dụng các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, đặc biệt là vitamin D để cải thiện hệ cơ xương khớp, hạn chế tình trạng co cứng cơ. Bên cạnh đó, cần phòng và tránh ngã để hạn chế nguy cơ gãy xương, giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng để hạn chế nhiễm trùng hô hấp. 

Trên đây là thông tin về các triệu chứng bệnh Parkinson thường gặp, hi vọng sẽ giúp bạn nhận diện bệnh sớm, từ đó chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top