Triệu chứng của Parkinson ở người cao tuổi

Triệu chứng của Parkinson

Các triệu chứng có thể khởi phát rất nhẹ, ví dụ, người bệnh có thể cảm thấy run nhẹ hoặc cảm thấy chân bị cứng và co kéo nhẹ. Triệu chứng có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên chi.

Triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Gặp các vấn đề về đi lại và giữ thăng bằng
  • Co cứng các cơ
  • Đau cơ
  • Tụt huyết áp khi đứng lên
  • Gù lưng
  • Táo bón
  • Vã mồ hôi và không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
  • Chớp mắt chậm
  • Khó nuốt
  • Nói chậm và nhỏ hơn
  • Chảy nước dãi, nước mũi.

Các vấn đề về di chuyển bao gồm

  • Khó khăn khi di chuyển, như khó khăn lúc bắt đầu đi bộ hoặc đứng dậy khỏi ghế
  • Di chuyển chậm
  • Mất khả năng di chuyển tinh tế của tay (chữ viết có thể trở nên nhỏ và khó đọc hơn)
  • Khó khăn trong việc ăn uống.

Triệu chứng run cơ:

  • Thường xảy ra khi các chi không chuyển động hoặc nghỉ ngơi
  • Xảy ra khi giơ tay, chân lên
  • Triệu chứng biến mất khi di chuyển
  • Triệu chứng run cơ trở nên tệ hơn khi mệt mỏi, căng thẳng hoặc kiệt sức
  • Có thể gây run ở vùng đầu như môi, lưỡi.

Các triệu chứng khác như lo lắng, căng thẳng, hồi hộp, trầm cảm, mất trí nhớ…

 

Điều trị

Hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh Parkinson nhưng điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Dùng thuốc: Bác sỹ có thể sẽ kê thuốc để giúp bạn kiểm soát việc run cơ và các triệu chứng về chuyển động. Những loại thuốc này sẽ làm tăng lượng dopamin trong não bộ. Bạn cũng có thể phải dùng thuốc để điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc, giảm đau và điều chỉnh giấc ngủ.

Thuốc điều trị Parkinson có thể sẽ có một vài tác dụng phụ như gây ra mơ hồ, ảo giác, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng, ngất xỉu, mất kiểm soát hành vi, mê sảng. Báo ngay với bác sỹ nếu bạn gặp phải các triệu chứng này.

Phẫu thuật: Phẫu thuật không chữa khỏi Parkinson nhưng có thể làm giảm các triệu chứng. Các loại phẫu thuật bao gồm: kích thích não sâu, phá hủy các tế bào mô não gây ra các triệu chứng Parkinson hoặc cấy ghép tế bào gốc

Thay đổi lối sống: Thay đổi một vài thói quen thường ngày có thể giúp bạn đối mặt với bệnh Parkinson

  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và không hút thuốc lá
  • Thay đổi loại thức ăn/đồ uống nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhai nuốt.
  • Luyện tập thể thao càng nhiều càng tốt nếu bạn cảm thấy khỏe. Không nên luyện tập quá sức nếu bạn cảm thấy mình không được khỏe.
  • Nghỉ ngơi khi cần và tránh căng thẳng mệt mỏi.
  • Dùng vật lý trị liệu để giúp bạn có thể không bị phụ thuộc vào người khác và giảm nguy cơ té ngã.
  • Lắp đặt tay vịn trong nhà để giảm nguy cơ té ngã, đặc biệt là trogn nhà tắm và dọc cầu thang
  • Sử dụng các phương tiện hỗ trợ để đi lại dễ dàng hơn như xe lăn, thang giường, ghế trong phòng tắm hoặc gậy chống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top