Nhiều người bị mất ngủ về đêm và điều này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ mà còn tiềm ẩn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe. Tìm hiểu bài viết dưới đây để biết triệu chứng mất ngủ về đêm có thể do bệnh lý nào gây ra? và có nguy hiểm không?
Có người than phiền đêm chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng, có người lại than phiền rằng mặc dù họ đi ngủ rất sớm nhưng nằm trằn trọc mãi không vào giấc ngủ và thường chỉ ngủ được khoảng vài tiếng lại tỉnh khó ngủ tiếp. Có người thậm chí không ngủ được chút nào (thức trắng đêm).
Việc mất ngủ về đêm tùy thuộc vào tình trạng và sức khỏe của mỗi người, nhưng nhìn chung nếu mỗi đêm bạn ngủ dưới 4 tiếng (đối với người cao tuổi) và dưới 6 tiếng đối với người trẻ tuổi, điều này phản ánh cơ thể bạn đang bị mất ngủ. Đặc biệt là những người mất ngủ cả đêm “thức trắng đêm” nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, trầm cảm sẽ rất cao.
Có người bị mất ngủ một hôm đến ngày hôm sau trông đã phờ phạc, thiếu sức sống, không tập trung. Có người mất ngủ lâu năm tuy không biểu hiện quá nhiều nhưng cơ thể suy nhược như bị “bào mòn dần”, cuối cùng kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Mất ngủ thuộc bệnh lý rối loạn giấc ngủ. Gồm 2 loại là mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính.
– Mất ngủ cấp tính: hay còn gọi là mất ngủ ngắn hạn là tình trạng mất ngủ không quá 1 tháng.
– Mất ngủ mạn tính: hay còn gọi là mất ngủ kinh niên hoặc mấy ngủ lâu năm. Đây là tình trạng mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mất ngủ về đêm nặng nhẹ tùy mỗi người, đặc biệt là với người đang mắc các bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, bệnh thận,… khi bị mất ngủ về đêm dễ làm tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người thắc mắc vậy mất ngủ về đêm có thể do những bệnh gì gây ra?
Sau đây là một số bệnh lý có thể gây chứng mất ngủ về đêm:
Thiếu máu lên não khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, đau đầu hay bị mất ngủ về đêm. Thiếu máu não cục bộ hoăc thiếu máu não cục bộ thoáng qua đều có nguy cơ dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Do đó, khi có các biểu hiện thiếu máu não như đau đầu, hoa mắt, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ để được đo lưu huyết não (đánh giá lưu lượng tuần hoàn máu lên não) và có biện pháp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Mỗi khi cơn rối loạn tiền đình tái phát khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, giảm thị lực điều này ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Người bị rối loạn tiền đình nếu kê gối quá thấp dễ gây h chóng mặt, ù tai dẫn tới khó ngủ và mất ngủ.
Khi bạn bị mắc các bệnh lý về tim mạch như hở van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,… khiến cơ thể mệt mỏi, khó thở, điều này cản trở giấc ngủ. Người bệnh nên đi thăm khám sớm với bác sĩ để được chẩn đoán đúng, có biện pháp điều trị hiệu quả và cải thiện các thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, góp phần ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Cơn trào ngược dạ dày thực quản đẩy lên khiến bạn ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, tức ngực, vô cùng khó chịu và điều này sẽ phá vỡ giấc ngủ ngon của bạn. Nếu bị trào ngược dạ dày bạn nên đi khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn sử dụng một số loại thuốc hoặc men hỗ trợ làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Không nên để tình trạng này kéo dài vì trào ngược nhiều sẽ khiến cơ vòng thực quản co thắt không linh hoạt, dễ gây trào ngược mạn tính, kéo dài cũng khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi và gầy sút.
Các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, hen suyễn,… ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan hô hấp của người bệnh. Chẳng hạn như khi cơn hen suyễn lên, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở tức ngực và điều này có thể phá vỡ giấc ngủ của bạn.
Mỗi khi huyết áp tăng cao khiến người bệnh có cảm giác như bốc hỏa, khó thở, người mệt mỏi thậm chí có thể ngất. Huyết áp tăng cao nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây đột qụy (tai biến mạch máu não thể xuất huyết não). Người bị huyết áp cao thường khó ngủ hơn người bình thường.
Trầm cảm, lo lắng khiến hệ thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ.
Những đau đớn cả về thể xác và tinh thần mà người bệnh ung thư phải chịu đựng ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ. Nhiều người bệnh ung thư chỉ ngủ được khoảng vài tiếng buổi đêm vì những cơn đau làm phiền, có những người mất ngủ trắng đêm. Đau do bệnh tật gây ra, đau do tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị khiến người bệnh ung thư mệt mỏi, khó có thể ngủ ngon được.
Tiểu đường khiến cơ thể mệt mỏi, đi tiểu nhiều, khát nhiều và điều này làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Mất ngủ về đêm có thể do nguyên nhân tâm lý, tác động của môi trường hoặc tiềm ẩn bệnh lý. Cần tìm đúng nguyên nhân để từ đó xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.
Mất ngủ có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm, cần phát hiện sớm để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Mất ngủ kéo dài không chỉ “bào mòn” cơ thể bạn mà còn kéo theo rất nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó khi có biểu hiện mất ngủ về đêm bạn tuyệt đối không được chủ quan. Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh