✴️ Triệu chứng tai biến mạch máu não trong từng trường hợp

Nội dung

1. Tai biến mạch máu não có triệu chứng

1.1 Triệu chứng tai biến mạch máu não thực sự

Một cơn tai biến thực sự thường được nhận diện bằng quy tắc F.A.S.T với các biểu hiện cụ thể như sau:

– Méo mặt, khuôn mặt buồn rầu (F – Face)

Đây là dấu hiệu rất phổ biến của các bệnh nhân tai biến, thường xuất hiện trước khi cơn tai biến xảy ra. Do các mảng xơ vữa hoặc huyết khối làm máu cung cấp cho não bộ giảm dần khiến các dây thần kinh tác động đến cơ mặt bị tổn thương. Kết quả là khuôn mặt người bệnh trở nên rủ xuống, buồn rầu. Thậm chí một phần hoặc toàn bộ khuôn mặt bị tê liệt, không cử động được.

Để kiểm chứng rõ hơn, hãy yêu cầu bệnh nhân cười. Nếu thấy nụ cười bị lõm một phần, mặt xệ xuống thì đó là dấu hiệu tai biến.

Méo, lệch mặt là biểu hiện thường thấy ở các bệnh nhân tai biến.

– Cử động cánh tay kém (A – Arm)

Người bệnh bị tai biến thường cảm thấy cánh tay tê dại, khó cử động đến mức không thể cử động được. Dấu hiệu này có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cao. Nếu một bên tay không thể giơ lên được hoặc rũ thõng xuống nhanh chóng thì chứng tỏ họ đã bị tai biến. 

Nguyên nhân là khi mạch máu bị tắc nghẽn, lượng máu lên não không đủ. Điều này khiến các dây thần kinh điều khiển vận động không có năng lượng để thực hiện chức năng. Do vậy, khả năng vận động của người bệnh có thể bị thuyên giảm, biểu hiện rõ nhất là ở cánh tay. 

– Nói lắp, khó diễn dạt bằng ngôn ngữ (S – Speech)

Những cục máu đông gây tai biến mạch máu não có thể cản trở quá trình lưu thông máu cho phần não bộ điều khiển việc giao tiếp. Vì thế người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu, không nói được câu dài,… Nếu nghi ngờ mất khả năng diễn đạt do đột quỵ, bạn có thể yêu cầu bệnh nhân nhắc lại 1 cụm từ hay 1 câu nào đó. Nếu họ không nói được hoặc nói một cách khó khăn thì khả năng cao họ đã bị đột quỵ.

– Thời gian đối với người bệnh (T – Time)

Các dấu hiệu tai biến thường diễn ra đột ngột, nhanh chóng. Nếu một người có đồng thời cả 3 dấu hiệu trên, thì chắc chắn họ đã bị đột quỵ não. Khi đó, thời gian đối với người bệnh là vàng. Nếu được cấp cứu trong vòng 3 – 4,5 tiếng sau khi phát bệnh thì người bệnh có nhiều khả năng được cứu sống và giảm các di chứng. Nếu để muộn, hệ thần kinh có thể tổn thương không thể phục hồi.

Người bị tai biến có thể gặp khó khăn trong việc vận động.

1.2 Triệu chứng tai biến mạch máu não nhẹ

Bên cạnh các cơn đột quỵ thực sự, người bệnh có thể gặp phải những cơn đột quỵ nhẹ với các triệu chứng thoáng qua và tự biến mất gồm:

– Đau nhức đầu một cách dữ dội và đột ngột

– Chóng mặt, ù tai đột ngột, choáng ngất

– Yếu hẳn một bên chân, đứng không vững

– Yếu một bên tay, không thể cầm nắm chắc đồ vật và làm rơi, cảm thấy khó khăn khi nhặt lại vật đã rơi

– Rối loạn ngôn ngữ đột ngột, có thể nói khó hoặc nói ngọng, khó hiểu. Triệu chứng này có thể chỉ diễn ra trong ít phút, tuy nhiên cũng có thể kéo dài cả ngày trước khi bị tai biến nghiêm trọng.

– Đột ngột tê ở đầu ngón tay, chân và nửa thân trên, cảm giác như kim châm, kiến đốt

– Thỉnh thoảng mất kiểm soát bản thân, có thể đang nói thì ngưng lại, để rơi đồ vật mà không hay biết, vài giây sau mới sực nhớ để nhặt lên

– Đột nhiên mất định hướng về không gian và thời gian, điều này có thể diễn ra trong vài phút hoặc vài giờ

– Giảm, mất thính lực hoặc quên lãng trong khoảng thời gian ngắn

– Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, ở một hoặc cả hai bên mắt trong khoảng vài giây

Những cơn tai biến thoáng qua không gây nguy hiểm ngay nhưng là dấu hiệu cảnh báo cho những cơn đột quỵ thực sự trong tương lai. Nhưng nhiều người lại chủ quan không đi khám, khiến cho tình trạng ngày càng trầm trọng. Khi cơn tai biến thực sự xảy ra, rất khó để cứu sống hoặc hồi phục. 

Người bệnh có thể lãng quên tạm thời trong những cơn đột quỵ thoáng qua.

2. Tai biến không có triệu chứng

Không phải trường hợp tai biến nào cũng có triệu chứng như trên. Đôi khi, cơn đột quỵ cơ thể xảy ra mà không có bất cứ một biểu hiện nào, người bệnh đột nhiên ngất đi, chìm vào hôn mê sâu và tử vong. Khi tình huống này xảy ra, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để xác định nguyên nhân có phải do đột quỵ hay không và có biện pháp xử trí kịp thời. Bởi nếu xử trí sai cách khi không rõ nguyên nhân có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. 

Tóm lại, các triệu chứng tai biến mạch não thường diễn ra rất đột ngột, đòi hỏi người bệnh hoặc người nhà phải rất tinh ý và xử trí một cách nhanh chóng vì bất cứ một sự chậm trễ hay trì hoãn nào trong các trường hợp này cũng có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh hoặc để lại những di chứng nặng nề về sau. Khi nghi ngờ đột quỵ, hãy đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán bằng các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top