Vắc xin viêm não mô cầu

Viêm não, màng não do não mô cầu là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên 14-20 tuổi.

Bệnh hay xảy ra và lan rộng tại các tập thể đông đúc ở thành thị hơn nông thôn. Các nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở nước ta thường gặp A, B, C.

Tìm hiểu về viêm não mô cầu – nguyên nhân, con đường lây truyền, cách phòng ngừa

Vi khuẩn gây bệnh viêm màng não là Neisseria Meningitidis. Có hơn 13 nhóm nhỏ trong đó 6 nhóm gây bệnh chính là A, B, C, W135, X và Y. Bệnh cảnh thể hiện dưới 3 dạng khác nhau gồm viêm hầu họng đơn thuần, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ.

Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như ly, tách, điện thoại. Các môi trường tiếp xúc gần gũi như khu tập thể, khu cắm trại, trường học có nguy cơ gây lây truyền cao.

Trong điều kiện bình thường, khoảng 5-10% dân số mang vi khuẩn Neisseria. Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Trong số này có thể có chủng gây bệnh hoặc chủng lành tính. Tuy người mang khuẩn không có biểu hiện bệnh lý nhưng trong một số trường hợp, việc lây nhiễm vi khuẩn này sang người khác có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh.

Việc lây truyền không thật sự dễ dàng trên thực tế. Chỉ có khoảng 3-4% người sống chung nhà với bệnh nhân nhiễm não mô cầu bị nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, nếu ca bệnh đã được khẳng định thì việc phòng ngừa bằng thuốc cần được tiến hành ngay trên người có tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng vài ngày đầu sau khi phát bệnh.

Phòng ngừa bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu tiên bị phơi nhiễm. Có thể dùng Ciprofloxacin 500 mg liều duy nhất hoặc Azithromycine 10 mg/kg (tối đa 500 mg) liều duy nhất. Sau 14 ngày, phòng ngừa bằng kháng sinh trở nên vô hiệu hoặc vô ích.

Các loại vắc – xin viêm não mô cầu chỉ giúp phòng ngừa khoảng 85-90% trường hợp, chưa kể đến phức tạp trong chọn lựa các loại phân nhóm để sử dụng. Trong khi đang có dịch, việc chú ý đến các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng tỏ ra hữu hiệu để phòng ngừa lây gián tiếp.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn.
  • Súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
  • Tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt.
  • Tránh các tiếp xúc gần gũi với người khác, nếu có thể.
  • Tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng.
  • Nếu bạn có triệu chứng nhiễm bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế.

Nếu ở các cơ sở y tế, việc sử dụng các dung dịch khử khuẩn tay trước và sau tiếp xúc với mỗi ca bệnh giúp hạn chế việc lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

 

Triệu chứng viêm não mô cầu

Triệu chứng của bệnh gồm sốt cao, nhức đầu, ói mửa. Sau đó da nổi những vết thâm tím – tử ban. Người bệnh nhiễm trùng huyết thể cấp thường khởi bệnh đột ngột, sốt cao 39-40 độ C, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, thở nhanh, huyết áp có thể thấp.

Các triệu chứng thường gặp như: sốt, lạnh run, nổi nhiều chấm đỏ ở chân các điểm xuất huyết ở chân (có đường kính 1-5mm). Người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đồng thời phát ban đỏ ở cẳng chân, hai bên hông, mông hay xuất huyết dưới da với mảng xuất huyết to bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay ở thể nhẹ hơn, vi khuẩn não mô cầu đi vào máu (không gây nhiễm trùng), màng não gây viêm màng não (gọi là viêm não mô cầu). Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày.

 

Cơ chế khi viêm não mô cầu

Vi trùng não mô cầu khi thâm nhập cơ thể có thể đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở đó. Não mô cầu có nhiều thể bệnh như viêm họng do não mô cầu, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, viêm màng não do não mô cầu… Ở mỗi thể khác nhau, triệu chứng của người bệnh cũng biểu hiện khác nhau… Thể thường gặp nhất của bệnh là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.

Nhiễm trùng huyết do não mô cầu có ba thể là nhiễm trùng huyết cấp, tối cấp và mãn tính. Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: Viêm màng não mủ và Nhiễm trùng huyết. 

Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh), ngay cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực.

Trong ba thể này, thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết thể cấp, sau đó là thể tối cấp, còn thể mãn tính rất hiếm gặp. Triệu chứng phân biệt bệnh não mô cầu với những bệnh khác chính là tử ban (mảng xuất huyết có hoại tử ở trung tâm), tử ban này lan nhanh về số lượng cũng như kích thước.

Khi tử ban lan nhanh, người bệnh cần thận trọng vì có thể sẽ rơi vào thể tối cấp. Nhiễm trùng huyết tối cấp chỉ chiếm 10-20% các trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Người mắc thể này diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, sốc phổi và tử vong.

Triệu chứng ban đầu có thể như thể nhiễm trùng huyết cấp, nhưng những triệu chứng nặng sẽ xuất hiện rầm rộ trong 12 giờ. Tử ban xuất hiện sớm và lan tràn rất nhanh về số lượng cũng như kích thước. Những trường hợp nhiễm trùng huyết tối cấp có tỉ lệ tử vong rất cao.

Thể mãn tính thì ít gặp. Trong bệnh nhiễm não mô cầu có thể nhiễm trùng huyết đơn thuần hoặc thể nhiễm trùng huyết kèm theo viêm màng não mủ. Triệu chứng viêm màng não do não mô cầu lúc khởi bệnh rất khó phân biệt với trường hợp nhiễm trùng toàn thân. Tuy nhiên trên một số bệnh nhân, bên cạnh biểu hiện nhiễm trùng huyết và tử ban, dấu hiệu viêm màng não nổi bật với độ nặng gia tăng dần như sốt, ói, nhức đầu, rối loạn tri giác (mê sản), biểu hiện dấu thần kinh khu trú như yếu, liệt, co giật.

 

Những điều cần quan tâm khi khi tiêm phòng ngừa

Các bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng tiêm văcxin. Tuy nhiên, tiêm văcxin phù hợp lại là những vấn đề khác. Cho đến nay, chưa có loại văcxin nào đảm bảo gây miễn dịch đủ cùng lúc cho cả 6 loại vi khuẩn não mô cầu A, B, C, X, Y và W135. Việc chọn lựa văcxin thường dựa vào đặc điểm của vùng dịch để có loại phù hợp.

Trên thị trường hiện nay có loại văcxin nhị liên cho nhóm A, C như Mevac AC hoặc nhóm C và Y kèm Hib như MenHibrix. Ngoài ra, có loại tứ liên có tác dụng gây miễn dịch cho 4 nhóm A, C, Y và W-135, có thể là loại polysaccaride như Menomune, hoặc loại conjugate như Menactra, Menveo. 

Văcxin chuyên dành cho nhóm B chỉ mới được đưa vào sử dụng gần đây là Bexsero và Trumenba. Ở Việt Nam cũng có dạng văcxin kết hợp cho hai nhóm B và C: VA-Mengoc BC.

 

Một số lưu ý khi chích ngừa vắc xin

  • Vắc – xin nhóm nào chỉ có thể phòng ngừa nhóm đó và không có tác dụng phòng ngừa chéo cho các nhóm khác. Ở vùng Đông Nam Á, nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C đã được ghi nhận.
  • Khá nhiều thông tin ghi nhận không có văcxin phòng ngừa nhóm B. Điều này hiện nay không đúng vì vắc – xin nhóm B mới được đưa vào sử dụng gần đây. Trumenba được FDA Mỹ cấp phép vào tháng 10/2014 và Bexsero được cấp phép vào tháng 1. Ở Việt Nam, để đảm bảo phòng ngừa cả ba nhóm A, B, C, phải chủng ngừa cả hai loại vắc – xin.
  • Vắc – xin  não mô cầu A-C nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia nhưng thuộc nhóm không bắt buộc và có thể phải trả chi phí thêm. Việc chủng ngừa thường được thực hiện lúc 18 tháng tuổi và lặp lại 3 năm một lần.
  • Do bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, việc chủng ngừa có thể áp dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn.

 

Chẩn đoán sớm Viêm não mô cầu

Việc chẩn đoán và điều trị não mô cầu đã được Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn. Điều cần nhấn mạnh là bệnh lý gây ra do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh và có thể đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh.

Do đó, chờ đợi những triệu chứng điển hình như ban xuất huyết hay cứng cổ có thể là quá trễ. Mặt khác, soi hoặc cấy ra vi khuẩn không giúp phân biệt được người mang khuẩn hay bệnh nhân thực sự. Do đó, chẩn đoán sớm chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tể học và kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng.

Về phía bệnh nhân, cần biết là có khá nhiều trường hợp nhiễm siêu vi khác có biểu hiện tương tự nhưng diễn tiến và dự hậu khác rất nhiều. Trên nguyên tắc, khi một người có các biểu hiện sốt, nhức đầu, việc tự điều trị bằng các thuốc cảm sốt không ghi toa là hợp lý và bệnh nhân luôn được khuyên là đi khám bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 48-72 giờ.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm não mô cầu, đây có thể là khoảng thời gian vàng trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nặng. Vì thế, không nên chần chừ khi có nghi vấn, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ tiếp xúc bệnh nhân trước đó.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top