Vì sao bạn thường bị chuột rút và hay run tay chân không kiểm soát

Nội dung

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn hay bị chuột rút, run tay chân

Mất nước, thiếu nước thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây chuột rút, run tay chân không kiểm soát. Lý do là bởi nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy và các dưỡng chất cho tế bào, đồng thời giúp đào thải các chất độc trong cơ thể.

Bạn có thể bị mất nước, thiếu nước do đổ nhiều mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy… nhưng không uống đủ nước để bù lại. Nếu không nhanh chóng bù nước cho cơ thể, máu có thể trở nên đặc lại, tình trạng chuột rút, run tay chân không kiểm soát cũng bắt đầu xuất hiện.

Ngoài ra, việc bị hạ đường huyết, căng cơ, kiệt sức, dùng quá nhiều caffeine… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút, run tay chân dữ dội. Bạn cũng có thể nhận thấy mình bị run không kiểm soát khi thấy lạnh. Đây là tình trạng run sinh lý, xảy ra nhằm giúp hạn chế tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng.

 

Hay bị chuột rút, run tay chân cũng có thể cảnh báo bệnh nguy hiểm

Run tay chân không kiểm soát có thể xảy ra do bệnh run vô căn hoặc bệnh Parkinson. Tùy thuộc vào cơn run xảy ra khi nghỉ ngơi hay run khi vận động, bạn có thể phần nào đoán được tình trạng mình đang gặp phải.

Theo đó, nếu các cơn run tay chân làm gián đoạn khả năng vận động, ảnh hưởng xấu tới khả năng đi lại, rất có thể là do run vô căn. Đây là dạng rối loạn thần kinh vận động thường ảnh hưởng tới những người trong độ tuổi từ 20 - 60. Run vô căn có thể tiến triển nặng dần theo thời gian, ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như bàn tay, cánh tay, chân, đôi khi là cả đầu và giọng nói.

Tuy nhiên, nếu cơn run tay chân xảy ra trong khi bạn đang nghỉ ngơi, rất có thể bạn đang phải đối mặt với bệnh Parkinson. Đây là một bệnh thoái hóa thần kinh, khiến một số cơ bị suy yếu quá mức, gây run ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi, thư giãn.

Trong một số trường hợp khác, chuột rút, run tay chân không kiểm soát cũng có thể xảy ra do bệnh động kinh, do rối loạn tuần hoàn, tổn thương não (đặc biệt là tổn thương màng não), do dùng thuốc hoặc do nhiễm trùng, sốt…

 

Làm gì khi hay bị chuột rút, run tay chân không kiểm soát?

Căng thẳng, stress có thể khiến tình trạng chuột rút, run tay chân sinh lý trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên thử nghỉ ngơi, tập thể dục, tập hít thở sâu… để kiểm soát căng thẳng, từ đó kiểm soát tình trạng này hiệu quả hơn. Bạn cũng nên hạn chế uống rượu bia, và các loại đồ uống có chứa nhiều caffeine để tránh kích hoạt các cơn chuột rút, run tay chân.

Trong trường hợp nghi ngờ chuột rút, run tay chân do bệnh lý, bạn nên thử đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác. Các bác sỹ có thể yêu cầu bạn chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp (CT) hoặc đo điện não đồ… để chẩn đoán bệnh, từ đó có hướng điều trị kịp thời, phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top