Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (The National Kidney Foundation - NKF) những người trưởng thành khỏe mạnh có thể lên kế hoạch ăn uống 2.300mg natri mỗi ngày, những người mắc bệnh thận hoặc tăng huyết áp nên hạn chế ở mức 1.500mg natri mỗi ngày.
Khi ăn quá nhiều muối, thận sẽ phản ứng lại bằng cách giữ lại nước để pha loãng nó. Đây là một cách bảo vệ giúp cân bằng nồng độ hóa chất trong dòng máu, cần thiết để giữ cho tim của chúng ta hoạt động tốt. Nhưng theo thời gian, việc đặt nhiều áp lực này lên thận có thể gây tổn thương cho thận và cơ tim.
Giảm thiểu lượng muối ăn vào có thể tác động đáng kể đến sức khỏe thận. Bạn nên nếm thử thức ăn trước khi nêm gia vị. Nếu nhạt, chỉ cần thêm một chút muối. Tốt hơn, nên thêm hương vị khác mà không cần thêm nhiều muối.
Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng (The journal Nutrition) những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao nhất.
Theo các chuyên gia, cơ thể con người và hệ thống lọc (gồm cả thận) không được thiết kế để xử lý thức ăn nhanh (fast food). Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn trong một thời gian dài sẽ ngăn chặn hiệu quả xử lý chất thải của cơ thể.
Bạn nên kết hợp hoặc tăng nhiều loại trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, nước vào chế độ ăn uống giúp giảm bớt khả năng ăn thực phẩm chế biến sẵn.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ăn protein từ động vật làm căng thẳng cho thận khi thận hoạt động để loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Ăn thịt đỏ thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Ngoài ra, lượng thịt đỏ ăn vào có liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD), nguy cơ này cao hơn ở những người ăn thịt đỏ thường xuyên hơn. Trong khi đó, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa không tương quan với việc tăng nguy cơ mắc ESRD.
Bạn nên thay thế thịt đỏ bằng protein từ thực vật bất cứ khi nào có thể, bổ sung các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau giàu protein như đậu Hà Lan và súp lơ xanh đều tốt cho thận.
Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo hàng ngày về lâu dài có mối liên hệ với nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và tử vong cao hơn. Soda ăn kiêng được làm bằng chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể gây trở ngại cho sức khỏe thận.
Một nghiên cứu kéo dài 11 năm được thực hiện bởi Trường Y Harvard với hơn 3.000 phụ nữ đã báo cáo rằng soda ăn kiêng có liên quan đến sự gia tăng gấp đôi tình trạng suy giảm sức khỏe của thận. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những tác động tiêu cực đến thận có liên quan đến chất làm ngọt nhân tạo có trong loại đồ uống này.
Bạn nên uống nước lọc mỗi ngày vì không có calo và tốt hơn cho hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận.
Theo NKF, uống 4 loại đồ uống có cồn mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Những người nghiện rượu và nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu quá mức.
Cũng theo NKF, những người lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ mắc các vấn đề về thận cao hơn. Điều này đúng với các loại thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau analgesics.
Bạn nên hạn chế việc sử dụng NSAID thường xuyên và không bao giờ vượt quá liều lượng khuyến cáo.
Caffeine là một chất kích thích, dùng quá nhiều có thể làm tăng huyết áp, làm tăng căng thẳng cho thận và khiến thận hoạt động quá mức. Về lâu dài có thể gây suy thận.
Bạn nên giảm lượng caffeine xuống không quá 1 hoặc 2 tách hàng ngày. Nếu bạn có vấn đề về thận, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng caffeine an toàn cho bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh