✴️ Bạch cầu niệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm

Nội dung

1. Bạch cầu niệu là gì?

Bạch cầu hay còn gọi là các tế bào máu trắng là một phần trong hệ miễn dịch. Chúng giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại bên ngoài và các căn bệnh truyền nhiễm. Những tế bào này được sản xuất và dự trữ ở rất nhiều nơi trong cơ thể bao gồm các tuyến ức, lá lách và tủy xương. Bạch cầu được vận chuyển khắp cơ thể giữa các cơ quan và các hạch. Chúng có chức năng ngăn ngừa các loại vi trùng hoặc nhiễm trùng.

Bạch cầu niệu là tình trạng có tế bào bạch cầu trong nước tiểu. Bình thường, trong nước tiểu chứa rất ít hoặc không có bạch cầu. Nếu nước tiểu của bạn chứa một lượng lớn các bạch cầu thì bạn có thể đang gặp phải nhiễm trùng hay vấn đề sức khỏe khác.

Bạch cầu niệu là sự xuất hiện nhiều của bạch cầu trong nước tiểu

 

2. Nguyên nhân gây hiện tượng bạch cầu niệu

Tế bào bạch cầu xuất hiện trong nước tiểu có thể là liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau của cơ thể. Tình trạng này đồng thời cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm không thể xem nhẹ.

2.1. Nhiễm trùng bàng quang hoặc bị kích ứng

Nhiễm trùng tiểu (UTI) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất hiện bạch cầu trong nước tiểu. Nhiễm trùng tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên trong bàng quang.

2.2. Sỏi thận gây bạch cầu niệu

Nước tiểu của bạn có lẫn nhiều bạch cầu hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh sỏi thận.

2.3. Tắc nghẽn đường tiết niệu

Tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây tiểu máu, nghĩa là nước tiểu có lẫn máu. Tình trạng tắc nghẽn có thể gây ra do sỏi thận, khối u hoặc các vật chất bên ngoài khác.

2.4. Mang thai

Phụ nữ mang thai thường có một mức độ bạch cầu trong máu cao hơn so với bình thường. Thai phụ thường gặp phải tình trạng bạch cầu niệu và điều này hoàn toàn không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu xuất hiện kèm những triệu chứng bất thường khác thì cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

2.5. Bạch cầu niệu do nhịn tiểu

Nếu bàng quang chứa nước tiểu quá lâu, khả năng sẽ gây ra nhiễm trùng. Điều này sẽ làm tăng lượng bạch cầu trong nước tiểu.

2.6. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân cơ bản nêu trên, còn có một số những nguyên nhân khác gây ra tình trạng nước tiểu có lẫn bạch cầu như:

– Một số bệnh ung thư như tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc ung thư thận.

– Bệnh về máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm.

– Do ảnh hưởng của một số thuốc giảm đau và chống đông máu.

– Làm việc hoặc tập thể dục quá sức.

Khi xét nghiệm thấy kết quả bạch cầu niệu bất thường, bạn nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và định hướng điều trị hiệu quả. Trường hợp nước tiểu có bạch cầu do bệnh lý, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa không tự ý điều chỉnh phác đồ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top