✴️ Bệnh Addison (Suy tuyến thượng thận)

Bệnh Addison là gì?

Bệnh Addison hay suy tuyến thượng thận xảy ra khi lớp vỏ của tuyến thượng thận bị tổn thương. Nguyên nhân gây bệnh thường do hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công vào các tuyến thượng thận vì nhầm lẫn rằng chúng là vi khuẩn hay virus gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác có thể dẫn tới bệnh này.

Các tuyến thượng thận là một phần của hệ thống nội tiết, nằm phía trên mỗi quả thận. Chúng tạo ra các hormone ảnh hưởng đến mọi cơ quan và mô trong cơ thể chúng ta. Tuyến thượng thận gồm 2 lớp: tủy (bên trong) sản xuất Adrenaline và vỏ (lớp ngoài) tiết ra Corticosteroid.

Điểm chính về bệnh Addison

  • Bệnh Addison là do các tuyến thượng thận bị gián đoạn, ngăn cản sự bài tiết bình thường của corticosteroid.
  • Nguyên nhân do phản ứng của hệ thống miễn dịch (phổ biến nhất), khiếm khuyết di truyền hoặc các tình trạng khác, bao gồm cả ung thư.

Rối loạn tuyến thượng thận

Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hormone của tuyến thượng thận gây ra bệnh Addison, có thể do: rối loạn tự miễn, bệnh lao hoặc khiếm khuyết di truyền. Tuy nhiên, khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh Addison ở các quốc gia công nghiệp hóa là do các tình trạng tự miễn.

Các tuyến thượng thận ngừng sản xuất đủ hormone steroid (cortisol và aldosterone) khi 90% vỏ thượng thận bị phá hủy. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Addison xuất hiện ngay khi nồng độ của các hormone này bắt đầu giảm.

Tình trạng tự miễn

Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh tật, độc tố hoặc nhiễm trùng. Khi một người bị bệnh, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể, kháng thể này tấn công các yếu tố gây bệnh.

Hệ thống miễn dịch của một số người có thể bắt đầu tấn công các mô và cơ quan khỏe mạnh – trường hợp này gọi là rối loạn tự miễn.

Trong trường hợp mắc bệnh Addison, hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào của tuyến thượng thận, làm giảm dần chức năng của chúng.

Bệnh Addison xảy ra do kết quả của tình trạng tự miễn dịch còn được gọi là bệnh Addison tự miễn.

Nguyên nhân của bệnh Addison tự miễn: các nghiên cứu gần đây cho thấy một số gen đóng vai trò trong việc tăng khả năng mắc bệnh. Mặc dù di truyền học của bệnh vẫn chưa được hiểu đầy đủ nhưng họ gen thường có liên quan đến bệnh này là phức hợp kháng nguyên bạch cầu người (HLA). Chức năng của HLA giúp hệ thống miễn dịch phân biệt giữa protein của cơ thể và protein do vi rút và vi khuẩn tạo ra.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Addison tự miễn có ít nhất một rối loạn tự miễn dịch khác như suy giáp, tiểu đường tuýp 1 hoặc bệnh bạch biến.

Tình trạng tự miễn

Lao

Lao là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến phổi và có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu ảnh hưởng tới tuyến thượng thận, nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone.

Bệnh nhân mắc lao có nguy cơ cao bị tổn thương tuyến thượng thận, điều này khiến họ có nhiều khả năng mắc bệnh Addison.

Tại Mỹ, ngày nay bệnh lao ngày càng ít do đó các trường hợp mắc bệnh Addison do lao không còn phổ biến. Tuy nhiên, đối với các quốc gia mà bệnh lao là vấn đề nghiêm trọng thì tỷ lệ này cao hơn.

Nguyên nhân khác

  • Khiếm khuyết di truyền: các tuyến thượng thận không phát triển hoàn chỉnh.
  • Xuất huyết.
  • Cắt bỏ tuyến thượng thận.
  • Bệnh thoái hoá tinh bột (Amyloidosis).
  • Nhiễm trùng như HIV hay nhiễm nấm lan tỏa.
  • Ung thư di căn đến tuyến thượng thận.

Suy tuyến thượng thận thứ phát

Các tuyến thượng thận cũng có thể bị ảnh hưởng nếu tuyến yên có vấn đề. Bình thường, tuyến yên sản xuất hormone vỏ thượng thận (ACTH), hormone này kích thích tuyến thượng thận sản xuất hormone. Nếu tuyến yên bị tổn thương hoặc bị bệnh, ACTH được sản xuất ít hơn do đó tuyến thượng thận sẽ giảm tiết hormone, mặc dù tuyến thượng thận vẫn bình thường. Đây được gọi là suy thượng thận thứ phát.

Steroid

Đối với những người dùng steroid đồng hóa như vận động viên thể hình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Addison. Việc sản xuất hormone do dùng steroid, đặc biệt trong thời gian dài, có thể làm gián đoạn khả năng sản xuất nồng độ hormone bình thường của tuyến thượng thận - điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Glucocorticoid, chẳng hạn như cortisone, hydrocortisone, prednisone, prednisolone và dexamethasone hoạt động giống như cortisol. Nói cách khác, cơ thể tin rằng có sự gia tăng cortisol và ngăn chặn ACTH (việc giảm ACTH làm cho tuyến thượng thận tiết ít hormone hơn).

Ngoài ra, những người dùng corticosteroid đường uống để điều trị bệnh như lupus hay bệnh viêm ruột ngưng dùng thuốc đột ngột có thể bị suy thượng thận thứ phát.

Xem thêm: Hội chứng Cushing

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top