Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể, chức năng bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc – môn do thận đảm nhiệm.
Khi bị suy thận, người bệnh có các triệu chứng đau đầu do cao huyết áp, phù; do ứ nước trong cơ thể; mệt mỏi; đắng miệng, chán ăn, buồn nôn; mờ mắt; đau đầu, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục… Bên cạnh đó, người bệnh còn thường xuyên có cảm giác chóng mặt, da xanh, môi thâm, răng xỉn, chảy máu chân răng, móng tay và niêm mạc mắt nhợt nhạt (do thiếu máu).
Căn cứ vào điều kiện phát bệnh, người ta chia suy thận làm hai loại chính: Suy thận cấp tính và suy thận mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh suy thận là do viêm cầu thận và cao huyết áp. Ngoài ra, suy thận còn có nguyên nhân từ biến chứng của bệnh tiểu đường.
Bệnh suy thận ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, giảm sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, gây vô sinh. Theo đó, để phòng ngừa bệnh suy thận, mọi người cần đi xét nghiệm nước tiểu và máu 4 lần/năm.
Ngay sau khi phát hiện những triệu chứng của suy thận, người bệnh cần chủ động tìm đến với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám trực tiếp và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh nhân bị nhẹ cần phải uống thuốc và ăn kiêng nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trường hợp bệnh nặng (tức là khi chức năng thận giảm xuống còn dưới 50%) ngoài việc dùng thuốc, ăn kiêng còn phải tiến hành chạy thận nhân tạo suốt đời hoặc lọc màng bụng, ghép thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh