Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Một số bệnh liên quan đến thận phổ biến nhất là sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và tăng huyết áp.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Trên thực tế thì bệnh thận và tiểu đường luôn song hành với nhau, bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận, theo thống kê cứ 3 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường thì có 1 người mắc bệnh thận. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì, có tới 37,3 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường chiếm 11,3% dân số. Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành tại Việt Nam ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường và lượng đường trong máu cao đi kèm với bệnh tiểu đường đòi hỏi thận phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng nước dư thừa và chất thải.

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng liên quan đến thận của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Biến chứng này còn được gọi là bệnh thận do tiểu đường. Trung bình 10-40% những người mắc bệnh tiểu đường sẽ mắc bệnh thận mãn tính (CKD). Ban đầu,bệnh thận kèm theo bệnh tiểu đường không có triệu chứng rõ ràng. Khi ở giai đoạn sau của bệnh thận, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn:

  • Chán ăn
  • Lú lẫn khó tập trung
  • Mệt mỏi
  • Tăng huyết áp
  • Tiểu nhiều lần
  • Buồn nôn và nôn
  • Ngứa dai dẳng
  • Protein trong nước tiểu
  • Phù ở các chi như bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc mắt

 

Làm gì để ngăn ngừa và bảo vệ thận của bạn khi bạn mắc bệnh tiểu đường?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh thận do tiểu đường là duy trì lối sống lành mạnh và điều trị bệnh tiểu đường cũng như tăng huyết áp kèm theo nếu có. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bạn:

  • Tăng cường vận động: Tập thể dục hàng ngày và hoạt động thể chất rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và đường huyết ổn định.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên: Bạn nên đi khám định kì để được các bác sĩ tư vấn về mức đường huyết nên duy trì phù hợp với sức khỏe
  • Hãy sàng lọc sớm bệnh thận: Tổn thương thận nếu được phát hiện sớm có thể được kiểm soát và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu các thay đổi trong lối sống mà bạn có thể thực hiện để giữ cho thận khỏe mạnh.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm giảm chức năng thận. Hút thuốc lá cũng làm tăng lượng đường trong máu, làm suy giảm chức năng thận.
  • Hãy cẩn thận với thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc chống viêm nonsteroid (NSAID) như ibuprofen vànaproxen thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương thận. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các loại thuốc khác của bạn và xem liệu loại thuốc thay thế có thể có tác dụng trong trường hợp của bạn hay không.

Để bảo vệ thận khi mắc bệnh tiểu đường, hãy làm theo các bước đơn giản sau.

Bệnh thận do tiểu đường là một biến chứng phổ biến và nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Để ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của biến chứng này bạn nên điều chỉnh lối sống và chế độ ăn và dưới đây là một số lưu ý bạn nên điều chỉnh.

Ăn trái cây và rau quả 

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng việc bổ sung nhiều trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống có thể giảm thiểu nguy cơ chấn thương thận và nhiễm toan chuyển hóa - tình trạng nồng độ axit trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường do sản xuất quá nhiều axit, không thể bài tiết hết axit hoặc không thể cân bằng axit. Lượng axit dư thừa có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm tiềm ẩn như thở nhanh, mệt mỏi, lú lẫn và thậm chí có thể gây sốc hoặc tử vong. Trái cây và rau quả giúp thận loại bỏ axit dư thừa ra khỏi cơ thể và bài tiết qua nước tiểu.

Việc bổ sung nhiều trái cây và rau quả đặc biệt giúp ích cho những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, những người dễ bị nhiễm toan chuyển hóa nhất. Những bệnh nhân này thường được điều trị bằng bicarbonate và các chất bổ sung kiềm khác. Tuy nhiên các nhà khoa học đã nghiên cứu để xem xét tác dụng của việc ăn nhiều trái cây và rau quả vì đây là nguồn kiềm tự nhiên tốt. Kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân bệnh thận mạn đã cho thấy ăn trái cây và rau củ cho những hiệu quả tương tự như sử dụng thuốc kiềm đường uống trong việc kiểm soát tình trạng nhiễm toan chuyển hóa. Nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp với bạn. Một số bệnh nhân mắc bệnh thận có thể cần hạn chế lượng kali tiêu thụ, lượng kali này có thể cao hơn ở một số loại trái cây và rau quả.

Sử dụng dầu cá

Nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 có nhiều trong dầu cá nhất là các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và một số loại hạt. Đây có thể là tiền đề cho các phương pháp điều trị mới chống lại tình trạng đột tử do tim ở những người mắc bệnh thận đang chạy thận nhân tạo.

Cắt giảm muối

Muối có chứa natri, giúp duy trì sự cân bằng dịch thể tuy nhiên ăn quá nhiều muối có thể gây hại cho thận, cơ quan chịu trách nhiệm hoạt động như hệ thống lọc tự nhiên của cơ thể. Khi chúng ta ăn quá nhiều muối, thận buộc phải làm việc quá sức để đào thải những thứ chúng ta không cần và gây tổn thương thận. Ăn quá nhiều thức ăn mặn cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ, căn bệnh mà những người mắc bệnh tiểu đường vốn có nguy cơ mắc phải cao hơn người bình thường.

Theo thống kê ở Mỹ cứ 3 người Mỹ trưởng thành mắc bệnh tiểu đường thì có một người bị bệnh thận, nhưng quản lý tốt bệnh tiểu đường có thể giúp thận của bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Ngoài việc ăn quá nhiều muối và không tuân theo chế độ ăn phù hợp với bệnh tiểu đường thì thừa cân, ít hoạt động thể chất và hút thuốc là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. Tiền sử gia đình mắc bệnh suy thận cũng có thể là một yếu tố nguy cơ và những người mắc bệnh tiểu đường là người da đen, gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc Á cũng có thể dễ mắc bệnh thận hoặc suy thận hơn.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên có lợi cho những người mắc bệnh thận mạn, cũng như những người đã trải qua ghép thận. Nghiên cứu cho thấy người tập thể dục không chỉ cải thiện thể lực tổng thể mà còn có huyết áp và nhịp tim khỏe mạnh hơn cũng như có chế độ dinh dưỡng và lối sống tốt nói chung. Việc đi bộ, tập yoga giúp tăng cường sức khỏe nâng cao đề kháng, cải thiện sức bền và tăng cường sức khỏe tim mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top