✴️ Biểu hiện của sỏi thận và cách xử trí hiệu quả

Biểu hiện của sỏi thận là yếu tố quan trọng để xác định tình trạng sỏi như thế nào, đã gây biến chứng nghiêm trọng hay chưa. Trên cơ sở đó bác sĩ sẽ tư vấn cách xử trí thích hợp đối với từng biểu hiện khác nhau.

 

1. Biểu hiện của sỏi thận

Việc nhận biết các biểu hiện và triệu chứng của bệnh sỏi thận thường gặp khó khăn. Lý do là ở giai đoạn đầu và khi sỏi không di chuyển, rất khó để nhận biết được sự hiện diện của sỏi thận. Chỉ khi sỏi có những tác động cụ thể đến cơ thể thì triệu chứng mới trở nên rõ ràng. Điều này cũng đồng nghĩa người bệnh cần điều trị y tế càng sớm càng tốt vì sỏi đã gây biến chứng nặng nề.

Sỏi thận trong quá trình di chuyển bị kẹt niệu quản thường gây những đau đớn, khó chịu. Nguyên nhân là vì dòng nước tiểu bị chặn lại, thận sau 1 thời gian bị ứ nước sẽ sưng lên, niệu quản bị co thắt và dẫn tới những triệu chứng như:

– Đau dữ dội vùng lưng bên phải, đau lan xuống cả vùng bẹn đùi. Cơn đau này còn được gọi là cơn đau quặn thận.

– Cơn đau theo từng đợt, mỗi đợt có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ

– Bệnh nhân đau rát và khó chịu khi đi tiểu

– Cơn đau sỏi có thể đổi nhiều vị trí khác nhau khi sỏi di chuyển trong thận và các cơ quan khác

Ngoài cơn đau đặc trưng, người bệnh còn gặp 1 số dấu hiệu như:

– Nước tiểu có máu do tổn thương ở niêm mạc niệu quản

– Nước tiểu có mùi hôi do viêm nhiễm đường niệu

– Đi tiểu liên tục, mỗi lần 1 ít do bị tắc nghẽn đường tiểu

– Buồn nôn do ảnh hưởng đường tiêu hóa

– Sốt rét, ớn lạnh khi bị nhiễm trùng nặng

 

2. Các cách xử lý khi có biểu hiện của sỏi thận

2.1. Giảm đau, khó chịu tạm thời

Khi có các triệu chứng sỏi thận, đặc biệt là cơn đau quặn thận, người bệnh cần nằm yên trên giường, có thể ở tư thế nằm nghiêng, chườm nóng lên vùng đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đó người nhà bệnh nhân nên liên hệ ngay cơ sở y tế để được nhập viện ngay lập tức vì cơn đau có thể âm ỉ kéo dài khiến bệnh nhân không chịu nổi.

Đối với các triệu chứng khác như tiểu rắt tiểu buốt, đau âm ỉ, tiểu máu… bệnh nhân cũng cần sắp xếp thời gian để thăm khám. Bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc giảm đau hay sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cơ quan khác, đồng thời khiến triệu chứng càng nặng thêm.

2.2. Chấm dứt các biểu hiện của sỏi thận bằng cách uống thuốc

Sau khi được nhập viện, tại đây bệnh nhân sẽ được tư vấn các giải pháp phù hợp để chấm dứt các triệu chứng khó chịu do sỏi gây nên.

Khi sỏi nhỏ, đường tiết niệu chưa có dấu hiệu gặp biến chứng (kích thước sỏi rơi vào dưới 5mm) thì sỏi có thể ra ngoài qua bài tiết nước tiểu. Phương pháp được sử dụng ở đây là dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, uống nước và kết hợp dinh dưỡng thích hợp nhằm mục đích khiến đường bài tiết thông thoáng, sỏi nhanh chóng trôi ra ngoài.

2.3. Chấm dứt các biểu hiện của sỏi thận bằng cách tán sỏi

Tuy nhiên, khi có các triệu chứng hay biểu hiện khó chịu, sỏi thường cần can thiệp ngoại khoa để lấy ra ngoài. Hiện nay, sỏi tiết niệu, sỏi thận đã có thể được xử lý dứt điểm bằng phương pháp tán sỏi thay cho các phương pháp mổ truyền thống. Đặc điểm chung của những phương pháp này là ít đau, sẹo rất bé hoặc không có sẹo, cơ thể ít bị tổn thương và bệnh nhân rất chóng hồi phục. Những phương pháp đang được ứng dụng phổ biến như:

– Tán sỏi ngoài cơ thể dành cho sỏi thận, sỏi niệu quản nhỏ dưới 1.5cm, bệnh nhân không cần nằm viện vì tán sỏi không có tác động dao kéo gì đến cơ thể.

– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dành cho sỏi thận kích thước lớn, kể cả sỏi san hô lâu năm. Phương pháp này hạn chế vết mổ lớn, ít đau và rút ngắn thời gian điều trị hơn hẳn so với mổ.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng dành cho sỏi bàng quang và sỏi niệu quản với mọi kích thước khác nhau. Phương pháp này không có vết mổ, đưa dụng cụ vào từ niệu đạo để tán sỏi ra ngoài. Bệnh nhân nhanh chóng xuất viện sau 24h.

 

3. Phòng ngừa sỏi thận tái phát

Để các biểu hiện của bệnh không có cơ hội được tái phát, sau khi được điều trị, người bệnh vẫn cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khỏe:

– Cung cấp đủ nước sạch cho cơ thể: Lượng nước được bổ sung mỗi ngày phải rơi vào 2 – 2.5 lít, chia nhỏ lượng để uống trong ngày. Có thể dùng thêm các loại nước ép như nước ép cam, chanh.

– Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều oxalat để tránh tạo sỏi canxi oxalat

– Ăn nhiều rau, ăn nhạt, ít dùng thịt động vật

– Hạn chế các thực phẩm chứa dầu mỡ động vật

– Hạn chế dùng đồ ăn chứa nhiều purin vì chất này làm tăng nguy cơ tạo thành sỏi.

– Trong sinh hoạt cần lưu ý không nên ngồi 1 chỗ mà cần tăng cường thể dục thể thao, đặc biệt là nên có các bài tập thể dục buổi sáng.

– Lưu ý giữ cân nặng ở mức vừa phải, tránh béo vì làm gia tăng nguy cơ mắc  sỏi.

– Đặc biệt cần chú ý không nên nhịn tiểu

Cần ngăn ngừa tái phát sỏi thận bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý

 

Khi có những biểu hiện của sỏi thận, chứng tỏ sỏi đã trở nên nguy hiểm với sức khỏe người bệnh. Hãy chữa sỏi thận càng sớm càng tốt, cần tuân thủ hướng dẫn và các phương pháp điều trị bệnh của bác sĩ, đồng thời không quên điều chỉnh chế độ sinh hoạt để phòng tránh tái lại.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top