Tình trạng tái phát của sỏi tiết niệu đặt ra câu hỏi về quá trình hình thành sỏi. Đây là hậu quả của sự mất cân bằng, cần phải có thời gian để tạo lại tình trạng ổn định nhằm loại bỏ nguyên nhân gây. Để tránh sỏi tiết niệu tái phát, người bệnh cần có những kiến thức phòng ngừa bệnh mà chế độ ăn uống là một yếu tố rất quan trọng.
Cần được áp dụng trước khi quá trình tạo sỏi xảy ra nhằm tránh sự tái phát của sỏi dựa trên sự hiểu biết về cơ chế tạo sỏi của từng bệnh nhân, bao gồm: tăng bài tiết nước tiểu; sử dụng thực phẩm đa dạng và cân bằng; những lời khuyên về thực phẩm.
Bệnh nhân cần uống nhiều nước. Mục đích để đạt được trên 2,5 lít nước tiểu ổn định trong toàn bộ thời gian mỗi ngày với tỷ trọng nước tiểu vào buổi sáng đạt khoảng 1010. Việc tăng số lượng nước tiểu nhằm mục đích hòa loãng nước tiểu trong thời gian cả ngày và đêm để giảm nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu.
Số lượng nước uống mỗi ngày tùy theo thời tiết, các hoạt động cá nhân, trọng lượng cơ thể; chia đều lượng nước uống trong cả ngày và đêm; đa dạng các loại nước uống: nước uống thông thường, nước có ga, tránh đồ uống có đường hoặc muối. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân dễ bị sỏi tái phát do không áp dụng đúng việc uống nước đủ và đều. Cần uống đủ và nhất là phân chia lượng nước uống đều trong cả ngày lẫn đêm để giảm độ cô đặc của nước tiểu, nhất là về buổi sáng. Một số kinh nghiệm nhỏ rất hữu ích đó là thường xuyên đem theo những chai nước nhỏ khi ra khỏi nhà, uống nước trước và sau khi đi tiểu, uống trước khi ngủ và ngay khi tỉnh dậy...
Cung cấp canxi phù hợp: Ngoài tác dụng hòa loãng nước tiểu, đồ uống còn là nguồn cung cấp các chất khoáng. Cần biết rõ thành phần chất khoáng có trong đồ uống để tránh đưa vào cơ thể quá nhiều canxi, phospho, magne...
Các loại thức ăn khác nhau cần được phân đều trong nhiều bữa ăn trong ngày nhằm bảo đảm dinh dưỡng mà không gây tăng đậm độ nước tiểu quá cao.
Những sai lầm thường gặp về dinh dưỡng:
Về nhu cầu: Những bệnh nhân bị sỏi tái phát thường có thói quen xấu là ăn quá nhiều muối và đạm trong khi đó lại thiếu rau và nước.
Về phân bố các bữa ăn: Sỏi tái phát thường gặp ở những người chỉ dùng 1 bữa chính trong ngày, chủ yếu là bữa tối. Bữa sáng thường ít, bữa trưa chủ yếu là thức ăn nhanh trong khi đó bữa tối lại quá nhiều chất bổ , đặc biệt là đạm và chất khoáng.
Phân phối các bữa ăn hợp lý:
Việc phân bố các bữa ăn trong ngày rất quan trọng nhằm cung cấp dinh dưỡng và giữ đậm độ nước tiểu hợp lý. Cần có ít nhất 3 bữa trong ngày thay đổi với sự cân đối các loại thức ăn cần thiết sau: sữa và các sản phẩm của sữa; thịt, cá, trứng; tinh bột; rau xanh; hoa quả.; chất
Sử dụng nhiều loại thực phẩm đa dạng, cân bằng, chia đều phù hợp với từng người. Mỗi bữa ăn phải cung cấp đủ thành phần sau: chất đạm, can-xi, rau, hoa quả, tinh bột, chất béo, vitamin D, muối.
Chất đạm: Thịt, cá, trứng: nên ăn ít (phù hợp theo lượng cơ bắp của từng người) và phải chia đều trong các bữa ăn để tránh cô đặc urê trong nước tiểu. Chỉ nên ăn 1gr chất đạm/1kg cân nặng/ ngày và chia đều trong 3 bữa ăn.
Chất canxi: Sữa và sản phẩm của sữa: canxi và vitamin D cần thiết cho xương, cơ, thần kinh.
Quan niệm sai lầm hay gặp là kiêng uống sữa để tránh sỏi tái phát hoặc ngược lại, sử dụng quá nhiều sữa và sản phẩm của sữa. Đối với bệnh nhân sỏi tiết niệu, các nhà dinh dưỡng khuyên dùng sữa hàng ngày (nhưng phải uống thêm nước và chia nhỏ thành nhiều lần). Sữa và sản phẩm của sữa cung cấp nhiều canxi, với bệnh nhân sỏi tiết niệu cần đưa vào cơ thể khoảng 900mg canxi/ngày, trong khi đó 1 hộp sữa tươi 180ml cho khoảng 200mg canxi; 100gr fromage trắng = 110mg canxi; 125gr sữa chua = 180mg canxi.
Rau: Cần ăn rau trong tất cả các bữa. Rau cung cấp chất xơ, kali, magne... và rất ít năng lượng.
Hoa quả: Ngược lại với rau, hoa quả có rất nhiều đường nên cần hạn chế, chỉ nên ăn 2-3 quả nhỏ mỗi ngày. Nước hoa quả không có chất xơ nhưng có nhiều đường nên cần hạn chế sử dụng như hoa quả.
Tinh bột: cơm, bánh mỳ, đậu... cung cấp nhiều tinh bột, đường, vitamin, chất khoáng. Tinh bột được sử dụng trong các bữa ăn để tùy theo nhu cầu cung cấp năng lượng.
Chất béo: Số lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày tùy theo nhu cầu năng lượng cơ thể. Chất béo cung cấp acid béo, vitamin A, D và E. Hiện nay việc cung cấp DHA và EPA thường chưa đủ. Chất béo nguồn gốc thực vật rất tốt, chúng cung cấp kali, magne và chất xơ.
Vitamin D: Tình trạng thiếu hụt vitamin D rất phổ biến ngay cả với chế độ ăn đa dạng và cân bằng. Lưu ý rằng, vitamin D có nhiều trong dầu ăn, sữa.
Muối: Sử dụng nhiều muối gây tăng natri trong nước tiểu dẫn đến việc đào thải nhiều canxi, oxalate, cystine, acide uric là các chất dễ lắng đọng trong nước tiểu gây ra sỏi. Mỗi ngày cần dùng 6-8g muối chia đều trong các món ăn. Để biết chính xác lượng muối cung cấp đủ hay không dựa vào hàm lượng muối trong nước tiểu (bình thường từ 100-150meq/ngày).
Công thức tính lượng muối cần dùng mỗi ngày dựa theo hàm lượng muối trong nước tiểu: natri nước tiểu 24 giờ tính theo mmol/17 = gr muối/ngày. Cần lưu ý các loại thức ăn chứa nhiều muối, chia đều lượng muối trong các bữa ăn, nên dùng thêm rau thơm, phẩm màu thực vật để giảm lượng muối.
Việc tăng tiêu thụ citrate, potassium và magnesium trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp việc chống tạo sỏi. Nên dùng các loại nước chanh, rau xanh, ngũ cốc, bánh mỳ, đậu.
Người thân trong gia đình có trách nhiệm nhắc nhở bệnh nhân thực hiện đúng và thường xuyên chế độ dinh dưỡng. Việc tham gia câu lạc bộ nhưng người bị sỏi sẽ tăng cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong việc phòng chống sỏi tái phát.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh