✴️ Điều trị thoái hóa khớp gối bằng một số thảo mộc dược liệu

Nội dung

1. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng y học cổ truyền

Về mặt y học cổ truyền, thoái hóa khớp gối nằm trong phạm vi của “chứng tý”, “hạc tất phong”. Tý nghĩa là bế tắc không thông, “bất thông tắc thống” vì vậy mà gây nên đau.

Trong điều trị thoái hóa khớp gối bằng y học cổ truyền, cần phải phối hợp giữa các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc để có thể đạt hiệu quả. Một số phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc có thể kể đến như châm cứu, tập vật lý trị liệu, chế độ ăn uống cùng với nghỉ ngơi hợp lý.

Phương pháp chữa nhằm lưu thông khí huyết, đưa tà khí ra ngoài, bổ khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương để giảm đau và chống tái phát.

2. Một số vị thuốc nam có tác dụng tốt trong điều trị thoái hóa khớp gối điển hình như:

2.1. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng gối hạc

Đây là loại cây thân mềm, thân cây thường có điểm mọc phình lên, nhìn qua giống như phần đầu gối của con chim hạc, vì vậy người ta liên tưởng đến chữa bệnh liên quan tới khớp gối.

Gối hạc có vị ngọt, tính mát và hơi nhẫn đắng, giúp lưu thông khí huyết, tiêu trừ sưng tấy, vì vậy làm giảm đau nhức khớp gối. Do công dụng khá giống với xích thược nên nó còn được gọi là nam xích thược.

Cách dùng: Có nhiều cách xử dụng gối hạc điều trị thoái hóa khớp gối: 

  • Dùng riêng rễ gối hạc 40-50g sắc uống mỗi ngày
  • Kết hợp gối hạc với các vị thuốc khác tạo thành bài thuốc: rễ gối hạc, cỏ xước, tỳ giải, rễ gấc, mỗi vị 15g sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. 

Một số vị thuốc nam có tác dụng tốt trong điều trị thoái hóa khớp gối điển hình

2.2. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng dây đau xương

Dây đau xương còn có tên gọi khác là cây Khoan Cân Đằng, Tục Cốt Đằng. Dây Đau Xương chứa nhiều Ancaloit, có tác dụng chống viêm và giảm đau do thoái hóa.

Tính vị: vị đắng, tính mát.

Công dụng:

  • Khu phong trừ thấp, thư cân hoạt lạc.
  • Dây đau xương còn được dùng làm thuốc bổ can thận, xương khớp. 
  • Chữa tê bại, chấn thương tụ máu, sốt rét kinh niên.
  • Có thể dùng lá tươi của dây đau xương đắp lên các chỗ nhức trong gân cốt và trị rắn cắn.

Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Dây đau xương 20-30g

Cỏ xước 20-30g

Gối hạc 20-30g

Bưởi bung 20-30g

Rễ gấc 20-30g

 

2.3. Lá lốt – vị thuốc điều trị thoái hóa khớp gối ngay trong vườn nhà bạn

Lá lốt có vị cay thơm, tính ấm, vào tỳ vị, lá lốt có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ phong thấp. Lá lốt giúp chống viêm, giảm đau nhức rất tốt. Có thể dùng lá lốt tươi hoặc khô để chữa bệnh. Chú ý, lá lốt phải phơi trong bóng râm, không phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời để tránh làm mất nhiều hoạt chất của thuốc.

Cách dùng lá lốt chữa thoái hóa khớp gối:

  • Sắc uống khoảng 30gr hàng ngày
  • Có thể kết hợp với các vị thuốc khác như: dây đau xương, cỏ xước, trinh nữ, sắc uống cùng nhau cũng giúp chống viêm, giảm đau mang lại hiệu quả điều trị tốt.

2.4. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Cỏ xước (ngưu tất nam)

Cỏ xước có vị chua, đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm lưu thông huyết mạch, bổ can thận, mạnh gân cốt. Bên cạnh đó, cỏ xước còn có khả năng chống viêm tốt ở giai đoạn mạn và cấp tính. Có thể dùng nấu canh, xào, hoặc sắc thuốc uống một mình, cũng có thể kết hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng của bài thuốc, giúp giảm đau, chống viêm cho người bị thoái hóa khớp gối.

2.5. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Bưởi bung

Bưởi bung có vị ngọt, tính bình, trị đau khớp, tốt cho phụ nữ sau khi sinh, ngoài ra còn hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa và nhiều bệnh khác.

Bài thuốc chữa thoái hóa khớp gối bằng rễ bưởi bung:

Thành phần: rễ bưởi bung, rễ cốt khí, rễ hoàng lực, rễ cỏ xước, hoa kinh giới, dây đau xương, mỗi vị 20g sắc uống ngày 1 thang.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top