Lái xe, dân văn phòng là những nghề nghiệp ít vận động, việc ngồi nhiều, ít vận động khiến sẽ ảnh hưởng đến việc đào thải các chất cặn bã ra bên ngoài. Hơn nữa ít vận động khiến cơ thể kém hấp thu canxi, khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu nhiều hơn và lắng đọng thành sỏi.
Công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc quy… và một số hóa chất độc hại khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Bất cứ ai cũng có thể mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu, tuy nhiên nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh lý này hơn nữ giới. Nguyên nhân là do cấu tạo đường niệu đạo của nam giới dài hơn nữ giới, thời gian để đưa nước tiểu ra ngoài của nam giới lâu hơn. Nên nam giới dễ mắc sỏi tiết niệu và dễ tái phát hơn. Đồng thời niệu đạo dài cũng khiến cho sỏi khó thoát ra ngoài theo đường nước tiểu.
Những người uống ít nước, thường xuyên nhịn tiểu hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi có nguy cơ mắc sỏi đường tiết niệu cao hơn, nguyên nhân là do khi lượng nước nạp vào cơ thể không đủ khiến nước tiểu giảm, nồng độ tinh thể trong nước tiểu trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên dễ hình thành sỏi thận và sỏi tiết niệu.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều thịt, muối, chất đạm là một trong những nguyên nhân gây sỏi tiết niệu. Những thực phẩm chứa nhiều muối, đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất canxi và cystine, gây ra sỏi.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng cao oxalat, canxi như các loại quả hạch, socola, nước chè, rau chân vịt, các thực phẩm chứa nhiều uric như lòng lợn, óc động vật… cũng tăng nguy cơ tạo sỏi thận axit uric.
Những trường hợp bị rối loạn chuyển hóa uric (bệnh gout,…)có nguy cơ mắc sỏi thận cao gấp đôi người bình thường.
Sỏi thận, sỏi tiết niệu có thể tái phát nếu người bệnh không có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Sỏi thận, sỏi tiết niệu có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
Uống đủ nước (2-2,5 lít nước/ngày), uống đủ nước không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa hòa tốt hơn mà còn giúp hòa tan các chất cặn bã trong cơ thể. Tùy theo tính chất công việc, thời tiết mà có thể uống nhiều hoặc ít nước hơn (cơ thể đủ nước khi nước tiểu có màu vàng nhạt, trong). Không nên uống các loại nước nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp. Với một số trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi uống nước như người bị suy tim, suy thận… cần chú ý phải hỏi kĩ bác sĩ điều trị để có một chế độ nước phù hợp.
Có chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các nhóm thức ăn (tinh bột, đường, mỡ, vitamin, đạm, chất xơ…) không nên chỉ bổ sung một loại thực phẩm, rau quả nào để nâng cao sức khỏe và hạn chế nguy cơ sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Vận động vừa sức và luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp thận đào thải các chất cặn bã ra bên ngoài tốt hơn mà còn giúp tăng cường sự dẻo dai và sức đề kháng cho cơ thể.
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát tốt các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi đường tiết niệu. Đặc biệt những người làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, ngoài các biện pháp để giảm tối đa mức độ tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, thì cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh