Chẩn đoán migraine dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, kiểm tra thể chất và thần kinh. Người bệnh có các cơn đau ở một bên đầu hay gặp nhiều vào buổi sáng hoặc buổi tối. Cơn đau rất dữ dội khiến người bệnh ngừng ngay công việc đang làm, đau tăng lên khi gắng sức, có ánh sáng, tiếng ồn, đau cùng với nhịp mạch đập đập và lan từ vùng chẩm ra phía trước, đặc biệt là ở vùng hốc mắt. Kèm theo với đau đầu là buồn nôn hay nôn mửa, thay đổi tính khí (thường cáu gắt, khó tập trung suy nghĩ, khó nhớ) và cảm giác đầu trống rỗng, rối loạn vận mạch vùng mặt và đau ở động mạch thái dương cùng phía. Các cơn đau thường xuất hiện thành những cơn kịch phát, hồi quy và có các chu kỳ khác nhau – thời gian đau cũng thay đổi tùy từng người và tùy lúc nhưng ra khỏi cơn thì thấy hoàn toàn hết đau.
Ngoài ra nếu người bệnh bị đau nhức đầu bất thường, nghiêm trọng hoặc bất ngờ, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một loạt các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác có thể. Các xét nghiệm này bao gồm:
– Xét nghiệm máu được tiến hành để kiểm tra các vấn đề về mạch máu, nhiễm trùng trong tủy sống hoặc não, xác định xem có độc tố trong cơ thể hay không.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cung cấp hình ảnh chi tiết về bộ não, giúp bác sĩ chẩn đoán khối u, nhiễm trùng, tổn thương não, chảy máu não và một số vấn đề y tế khác có thể gây đau đầu.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo hình ảnh chi tiết của bộ não và các mạch máu. Chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ chẩn đoán khối u chẩn đoán khối u, xuất huyết não, nhiễm trùng và các bệnh về não hoặc hệ thần kinh.
– Người bệnh có thể được chỉ định chọc dò tủy sống nếu bác sĩ nghi ngờ não bị nhiễm trùng hoặc chảy máu. Trong thủ tục này, một cây kim nhỏ sẽ được đưa vào giữa hai đốt sống lưng dưới của người bệnh để lấy dịch não tủy. Điểm chọc vào sẽ được gây tê bằng thuốc gây tê cục bộ để giảm thiểu đau đớn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh