Mặc dù nam giới cũng có thể mắc bệnh nhưng phụ nữ lại có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân là do niệu đạo của phụ nữ rất ngắn nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang và gây bệnh. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm đường tiết niệu.
Nhiều phụ nữ mắc viêm đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục bởi “sex” có thể khiến vi khuẩn từ đường tiêu hóa hoặc âm đạo dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo hơn. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn nên đi tiểu trong vòng 30 phút sau khi quan hệ. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng cả hai đều cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục ngay lập tức trước và sau khi quan hệ nhưng các chuyên gia cho rằng điều này sẽ làm thay đổi hệ vi khuẩn âm đạo và làm gia tăng nguy cơ bị viêm đường tiết niệu.
Bạn có thể cho rằng chính vi khuẩn tồn tại trong phân là nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu. Tình trạng táo bón khiến cho bàng quang khó được làm rỗng, đồng nghĩa với việc vi khuẩn sẽ tồn tại lâu hơn và có thời gian để sinh sôi và gây nhiễm trùng. Ngoài ra, ngay cả tiêu chảy hay đại tiện không kiểm soát cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu bởi vi khuẩn từ phân lỏng có thể dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo. Một lời khuyên về vệ sinh: Cần chùi từ đằng trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh, nhất là sau khi đại tiện.
Khi đường huyết tăng quá cao, lượng đường dư thừa sẽ được thải qua nước tiểu và biến nước tiểu thành môi trường ưa thích cho sự phát triển của vi khuẩn. Bạn có thể đã nghe đâu đó rằng ăn quá nhiều đường cũng có thể gây viêm đường tiết niệu ngay cả khi bạn không mắc bệnh tiểu đường, nhưng các chuyên gia nói rằng điều đó là hoàn toàn không đúng sự thật.
Nếu bạn muốn đi tiểu thì nên tới WC ngay mà đừng nhịn bởi thói quen nhịn tiểu lâu hơn 6 tiếng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu do vi khuẩn có điều kiện tồn tại lâu hơn trong bàng quang và sinh sôi gây nhiễm trùng. Do vậy, nếu bạn cần phải lái xe đường dài mà bỗng dưng buồn tiểu thì tốt nhất là nên tìm một trạm dừng xe kế tiếp để “giải quyết” ngay chứ đừng nhịn mà có ngày mắc bệnh.
Uống nhiều nước không chỉ giúp bạn giải quyết cơn khát mà đồng thời nó cũng giúp đẩy lui căn bệnh viêm đường tiết niệu trong những tháng mùa hè nóng bức. Theo bác sỹ Stephanie Seitz thuộc Southwest College of Naturopathic Medicine "Khi uống nhiều nước, cơ thể chúng ta sẽ đào thải được ra ngoài rất nhiều vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu.”
Nếu bạn thay đổi biện pháp tránh thai đang sử dụng, sự dao động về nồng độ hormon có thể làm biến đổi hệ vi khuẩn tại âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu. Các liệu pháp tránh thai như sử dụng màng ngăn âm đạo hoặc chất diệt tinh trùng cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những miếng băng vệ sinh hay tampon “bẩn” là một môi trường vô cùng thuận lợi cho sự tăng sinh của vi khuẩn. Do vậy, trong chu kỳ kinh nguyệt, việc thay băng vệ sinh thường xuyên để phòng nhiễm khuẩn là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại quần lót phù hợp cũng cần được lưu ý: Nên sử dụng quần lót có đáy bằng cotton thoáng khí và tránh loại quần lót mỏng G-string có thể làm lây nhiễm vi khuẩn. Quần lót cotton có thể giúp thoát hơi ẩm và giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Các viên sỏi tạo thành từ các khoáng chất tích lũy trong nước tiểu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu do chúng có thể làm tắc bên trong đường tiết niệu và khiến nước tiểu chảy ngược lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh